Rà soát, kiểm tra thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030

Kinh tế - Ngày đăng : 17:01, 09/08/2024

BTO-Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận vừa có văn bản đến các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, đề nghị rà soát, kiểm tra, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng và người dân trong toàn tỉnh về đề án và kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển để các tổ chức, cá nhân chủ động, tự giác chấp hành.

thang-hai.jpg
Sạt lở ven biển Bình Thuận.

Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng lòng, bờ, bãi sông và bờ biển; đặc biệt là xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông, ven biển và khai thác cát, sỏi trái phép ở lòng sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Kiểm tra, rà soát, phân loại các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển, đánh giá mức độ nguy hiểm và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, huy động các nguồn lực của địa phương để thực hiện, trong đó tập trung cắm biển cảnh báo sạt lở; tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống tại những khu vực đang có diễn biến sạt lở nặng, nhất là những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng công trình bảo vệ bờ tại những khu vực dân cư tập trung sinh sống, làng nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng quan trọng không thể di dời. Chú trọng lồng ghép các nội dung phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển vào các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch có liên quan đang được triển khai tại địa phương. Huy động từ nhiều nguồn lực để xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, bờ biển kết hợp đa mục tiêu, giảm áp lực ngân sách nhà nước. Rà soát, lập kế hoạch, danh sách các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đang có diễn biến sạt lở nặng hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

fdac7448a82c0c72553d.jpg
Sạt lở do mưa lớn tại Bình Thuận.

Được biết, ngày 6/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 957/QĐ-TTg phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Mục tiêu chung nhằm chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Đến năm 2030, hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, ven biển có diễn biến xói, bồi phức tạp cần chỉnh trị.

Sau khi đánh giá sơ kết 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổng hợp đưa ra một số tồn tại, hạn chế, hiệu quả thực hiện đề án không cao, đặc biệt là thực hiện các giải pháp phi công trình. Nội dung đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận nhằm phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại thời gian qua theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án này.

K. Hằng