Chỉ sợ bỏ sót đối tượng được trợ giúp pháp lý

Pháp luật - Ngày đăng : 05:05, 12/08/2024

Đó là lo ngại của Đoàn công tác Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh khi kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý tại các huyện, thị, trong đó có huyện Hàm Thuận Bắc mới đây.
img_0297.jpg
Ông Đặng Văn Đào phát biểu lo ngại đối tượng TGPL bỏ sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách này theo Luật TGPL năm 2017 có 14 nhóm đối tượng yếu thế.

Với số nhóm đối tượng lớn như vậy, nhưng Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (trung tâm) – đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, có chức năng giúp Sở quản lý nhà nước về lĩnh vực TGPL nhận được rất ít án có đối tượng thuộc diện này. Mặc dù những năm qua Hội đồng liên ngành thường xuyên thành lập đoàn đi kiểm tra theo kế hoạch về công tác phối hợp ở các cơ quan tố tụng gồm công an, viện kiểm sát, tòa án ở các huyện, thị. Mới đây là ở 2 huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc trước đó là Tuy Phong, Bắc Bình. “Với lượng án hình sự, dân sự, hành chính lớn, nhưng đến nay tỉnh ta chỉ có hơn 200 án có đối tượng được hưởng TGPL giới thiệu về cho trung tâm cử người đi bào chữa. Đây thực sự là con số thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành trên cả nước, khi chúng ta có nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách, người đồng bào dân tộc thiểu số, tàn tật, nhiễm HIV…”, bà Nguyễn Thị Kiều Châu – Giám đốc Trung tâm TGPL bày tỏ nhiều lần trong các cuộc kiểm tra.

img_0236.jpg
Đoàn công tác làm việc tại Viện Kiểm sát Hàm Thuận Bắc.

Trên thực tế, phần lớn các cơ quan tố tụng thể hiện vai trò thực hiện tốt công tác phối hợp, nhưng việc sàng lọc, thuyết phục đối tượng được hưởng TGPL miễn phí trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn chưa cao. Chỉ dừng lại ở việc thông tin, giải thích cho đối tượng được TGPL. Nếu thấy đối tượng chịu cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên của trung tâm bào chữa thì chuyển về trung tâm, còn không thì thôi để cho đối tượng tự đi thuê luật sư bên ngoài hoặc cha mẹ tự giám hộ. Vì vậy, lượng án giới thiệu về trung tâm không nhiều, điển hình từ năm 2023 đến nay, Tòa án nhân dân Hàm Thuận Bắc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý, các luật sư cộng tác viên của trung tâm theo quy định 11 vụ. Tòa án nhân dân Hàm Thuận Nam hơn 30 vụ có trợ giúp viên pháp lý và luật sư tham gia.

img_0300.jpg
img_0277.jpg
Kiểm tra bảng biểu thông tin, hướng dẫn TGPL
img_0262.jpg
Kiểm tra sổ ghi chép.

Điều này thể hiện khâu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lĩnh vực này đến người dân chưa đầy đủ nên nhận thức còn hạn hẹp. Họ chưa hiểu rằng, việc luật sư công hay tư bào chữa cho bất cứ bị cáo hay bị hại nào đều phải đúng theo quy định pháp luật. Trình độ họ đều ngang nhau, cùng hướng tới mục đích mang lại điều tốt đẹp cho mọi người, cộng đồng, xã hội, ngoại trừ tư tưởng lệch lạc, biến chất. Nếu được quan tâm giải thích thấu tình đạt lý, người dân sẽ tìm đến trung tâm để được TGPL miễn phí - điều mà ai cũng mong muốn trong điều kiện kinh tế khó khăn.

Nhận thức tầm quan trọng của chính sách này đối với nhân dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Văn Bảy thông tin với Đoàn kiểm tra liên ngành, ông sẽ kiến nghị Huyện ủy đưa nội dung này vào trong các cuộc họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và các cuộc họp có liên quan. Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành quan tâm đến chính sách này. Nếu khó quá thì kêu gọi Hội Luật gia tham gia tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân. Trước hết là các cơ quan tố tụng phải làm hết chức năng nhiệm vụ của mình, khó khăn, vướng mắc chỗ nào, tập trung tháo gỡ.

img_0313.jpg
Ông Nguyễn Văn Bảy thông tin với đoàn công tác về việc chỉ đạo thực hiện công tác TGPL sắp tới.

Ông Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp đồng nhất trí quan điểm của ông Bảy giữa lúc lo ngại, 14 nhóm đối tượng không phải ít, nhưng số lượng đối tượng TGPL không đến được Trung tâm TGPL.

Theo ông, điều này có thể do việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về TGPL đến người dân chưa tới nơi. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, mỗi cơ quan tố tụng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần phải soi rọi xem đối tượng có nằm trong 14 nhóm đối tượng để không bỏ sót. “Nếu không có đối tượng được TGPL vi phạm pháp luật thì quá tốt, chỉ sợ là có nhưng bỏ lọt, mất đi quyền lợi của người dân”, ông Đào nói thêm. Đồng thời ông đề nghị, các cơ quan tố tụng bám sát chức năng nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo huyện triển khai đầy đủ các kế hoạch của hội đồng. Nâng cao trách nhiệm của điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên thực hiện tốt nhiệm vụ, làm sao không bỏ lọt đối tượng được TGPL- chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước mặc dù họ vi phạm pháp luật.

Ninh Chinh