Đức Linh: Gỡ vướng trong quản lý khoáng sản, đất đai

Kinh tế - Ngày đăng : 05:10, 13/08/2024

Theo UBND huyện Đức Linh, thời gian qua huyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản vật liệu xây dựng, quản lý đất đai. Những khó khăn trên nếu không được sớm tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện…

Huyện Đức Linh cho rằng, nhu cầu sử dụng cát xây dựng trong nhân dân hiện nay khá lớn, trong khi nguồn cung có hạn. Vì thế, cần sớm triển khai các thủ tục để đưa mỏ đã được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện vào hoạt động, nhất là tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các đơn vị trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đấu giá quyền khai thác, lập hồ sơ môi trường, cấp chủ trương đầu tư, cấp giấy phép khai thác, thủ tục hồ sơ đất đai... trường hợp đơn vị nào không chấp hành thì xem xét thu hồi giấy phép. Ngoài ra, huyện cũng gặp vướng mắc trong quản lý đất đai và đất hành lang bảo vệ lòng hồ Trà Tân. Do đó, huyện cần hỗ trợ từ các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức đo đạc, xác định diện tích đất thuộc phạm vi quản lý của lòng hồ Trà Tân để có cơ sở pháp lý trong việc quản lý, đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định.

dsc05746.jpg
Hoạt động khai thác cát xây dựng ở Đức Linh.

Liên quan kiến nghị của huyện Đức Linh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp 7 giấy phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị trên địa bàn huyện Đức Linh. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với các đơn vị này để sớm triển khai các thủ tục đưa mỏ vào hoạt động khai thác. Cuối tháng 5/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn số gửi các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện về thực hiện các thủ tục đất đai và nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khai thác khoáng sản. Hiện nay, có 4 mỏ đủ điều kiện hoạt động khai thác là mỏ cát xây dựng của các công ty: Ngọc Công, Nam Hà - Đức Linh, Trường Thịnh và mỏ cát xây dựng của Công ty Tân Sơn Nhất - Lam Hồng. Ngoài ra, một mỏ đang chờ giải quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư, 2 mỏ còn lại đã được Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh xem xét thủ tục quyết định giao đất cho chủ đầu tư để đưa vào hoạt động khai thác.

Đối với kiến nghị xem xét đưa vào kế hoạch đấu giá năm 2024 đối với 5 vị trí quy hoạch khai thác khoáng sản đã có trong quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng lịch khảo sát thực tế 5 vị trí để thu thập thông tin về loại khoáng sản, giao thông, hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc đất... và rà soát kỹ các vấn đề chồng lấn các quy hoạch khác và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2024 theo quy định.

Liên quan công tác quản lý đất đai, đất hành lang bảo vệ lòng hồ Trà Tân – hồ Trà Tân thuộc địa giới hành chính của xã Tân Hà, huyện Đức Linh. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, quá trình lập thiết kế kỹ thuật - dự toán để đo đạc cho xã Tân Hà thuộc dự án tổng thể đã loại trừ hồ Trà Tân ra khỏi khu đo. Hiện nay, đã hoàn thành công tác đo đạc xã Tân Hà. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn báo cáo tình hình thực hiện về công tác quản lý đất đai, di dời các hộ dân trong lòng hồ Trà Tân. Theo đó, đề xuất lập dự án đo đạc hồ sơ địa chính trong phạm vi lòng hồ Trà Tân không gắn với dự án tổng thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hiện nay, đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu, làm rõ phương án triển khai đo đạc hồ sơ địa chính trong phạm vi lòng hồ Trà Tân để tham mưu UBND tỉnh chủ trương triển khai thực hiện theo quy định.

TẤN THÀNH