Vì chủ quyền an ninh, an toàn, biển đảo: Siết chặt công tác quản lý hoạt động tàu cá ở địa phương
Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo - Ngày đăng : 05:05, 13/08/2024
Tuyên chiến tàu “3 không”
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh mới đây, nội dung về nhóm tàu “3 không” (chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa có giấy phép khai thác thủy sản (KTTS)) được các địa phương cũng như các thành viên ban chỉ đạo bàn luận sôi nổi. Sau khi hoàn thành việc cấp giấy phép đăng ký tạm thời, hiện nay Chi cục Thủy sản đã thành lập tổ công tác xuống địa bàn cơ sở phối hợp với các địa phương triển khai công tác đăng ký, cấp giấy phép KTTS cho tàu cá theo Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT (Thông tư 06). Đến nay, đã cấp đăng ký tạm được 2.499/2.531 tàu cá “3 không” (đạt 98,7%); cấp đăng ký chính thức được 230 tàu cá. Ngoài ra, Trung tâm Hành chính công đang tiếp nhận 550 hồ sơ; các địa phương đã tiếp nhận 590 hồ sơ chuẩn bị chuyển Trung tâm Hành chính công.
Như vậy, đến nay số tàu cá theo Thông tư 06 làm thủ tục hồ sơ để đăng ký lại là 1.370 hồ sơ, đạt 54,1% tổng số tàu cá đã công bố, trong đó có 2 địa phương rất tích cực, triển khai gần hoàn thành 100% là Phú Quý và Hàm Thuận Nam. Bên cạnh đó, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã kiểm tra hiện trạng 221/228 tàu cá theo Thông tư 06 chiều dài từ 12 mét trở lên thuộc diện phải đăng kiểm; 7 tàu cá chưa được kiểm tra do chủ tàu đề nghị rút khỏi danh sách đăng ký lại (3 tàu), đang hoạt động ngoài tỉnh (1 tàu), không có mặt tại địa phương (3 tàu).
Tuy nhiên, hiện nay số tàu cá chưa có hoặc hết hạn giấy phép KTTS vẫn còn tồn đọng nhiều với 1.659 chiếc, tập trung nhiều là Tuy Phong 380 tàu; Phan Thiết 471 tàu; La Gi 478 tàu; Phú Quý 298 tàu. Phân tích nguyên nhân, ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, do đang vào vụ cá nam, nên nhiều tàu cá đi đánh bắt xa chưa vào bờ để làm các thủ tục. Một số tàu sơn màu chưa đúng quy định. Tàu dưới 15 m đang cấp giấy phép theo thời hạn chỉ 1 năm, do tỉnh chưa khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng lộng, trong khi đó, tàu trên 15 m sẽ được cấp hạn ngạch 5 năm. Do đó, sẽ ít nhiều khiến người dân nhầm lẫn thời hạn được cấp phép, dẫn đến chậm làm thủ tục đăng ký KTTS.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, ngành nông nghiệp, cơ quan liên quan cần tập trung trong đợt cao điểm tháng 8, 9/2024 để xử lý, răn đe những chủ tàu không chủ động, không phối hợp lập hồ sơ tàu “3 không”, nhằm góp phần hoàn thành công tác đăng ký trước ngày 15/9, đúng tiến độ đề ra.
Các địa phương cho biết, thực tế tàu cá “3 không” xuất hiện khá nhiều do tập quán đánh bắt thủy sản vốn tự do trước đây của ngư dân. Từ khi được tuyên truyền, khuyến cáo, ngư dân rất muốn được các cơ quan chức năng xem xét cấp phép, để yên tâm đưa tàu ra biển đánh bắt thủy sản hợp pháp. Điều này không chỉ giúp cho công tác quản lý tàu thuyền đi vào quy củ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác thủy sản đúng quy định.
Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm qua hệ thống VMS
Toàn tỉnh có 1.949 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Mặc dù tỷ lệ lắp đặt VMS đạt 100%, được theo dõi sát sao qua hệ thống giám sát tàu cá, tuy nhiên tình trạng tàu cá mất kết nối VMS vẫn còn nhiều. Thời gian qua, công tác trực ban tại Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh được thực hiện nghiêm túc để theo dõi, giám sát và xử lý thông tin tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển theo quy trình, quy định. Tuy nhiên, việc xử phạt tàu cá mất kết nối trên biển còn rất hạn chế. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 1 lượt/1 tàu cá vượt ranh giới trên biển (đã quay lại vùng biển Việt Nam). Ngoài ra, toàn tỉnh có 5.338 lượt/619 tàu mất kết nối trên biển trên 6 giờ không thông báo về bờ, nhưng chỉ mới xử phạt 1 trường hợp; 113 lượt/113 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày, nhưng mới xử phạt 14 trường hợp.
Giải thích nguyên nhân chưa thể xử lý những tàu mất kết nối VMS thông qua các thiết bị kỹ thuật, ông Lê Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hiện nay giữa các nghị định đang bị chồng chéo, chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó các địa phương lúng túng và chưa có cơ sở để “phạt nguội” các tàu cá vi phạm thông qua hệ thống giám sát. Bên cạnh chất lượng của nhiều thiết bị VMS không đảm bảo, việc bảo dưỡng, sửa chữa chưa kịp thời, thì việc xác định do thiết bị hay do người sử dụng thiết bị khi gặp sự cố cũng gặp nhiều khó khăn.
Về vần đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Sở Nông nghiệp chủ trì phối hợp Biên phòng, Sở Tư pháp và các ngành liên quan để đánh giá việc xử lý, xử phạt theo cơ chế “phạt nguội” có đảm bảo điều kiện đúng pháp luật không, nếu có cần triển khai nghiêm túc. Đặc biệt, những tàu cá mất kết nối VMS, Trung tâm giám sát tàu cá cần có kết luận rõ ràng cho từng vụ việc, nguyên nhân vi phạm để xử lý triệt để, tránh tình trạng đổ thừa cho nhà mạng, mất sóng, hết cước…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, đến ngày 15/9/2024, hơn 2.500 tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh sẽ có hồ sơ hợp pháp để quản lý, góp phần giúp cho địa phương giải quyết một trong những trở ngại lớn trong việc khắc phục IUU.
Đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá như tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 2 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên; làm vô hiệu hóa máy định vị vệ tinh hoặc thiết bị VMS; làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc chuyển dữ liệu từ thiết bị VMS về hệ thống giám sát tàu cá, theo Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024.