Cảnh báo mối nguy cơ ngộ độc từ rau ăn sống
Xã hội - Ngày đăng : 05:05, 14/08/2024
Vi khuẩn E.Coli, Salmonella trong rau ăn sống
Sở Y tế tỉnh vừa cho biết, kết quả xét nghiệm của 30 mẫu an toàn thực phẩm trong đợt giám sát vào đầu tháng 7/2024. Cụ thể, có 25/30 mẫu đạt theo quy chuẩn quy định chiếm tỷ lệ 71,4%; còn lại 5 mẫu không đạt chiếm tỷ lệ 28,6%. Đó là 1 mẫu ốc tỏi luộc chín của quầy bán rong, tại khu vực bãi biển thuộc khu phố Long Sơn (Mũi Né), phát hiện có vi khuẩn Salmonella; 4 mẫu không đạt còn lại là rau ăn sống gồm mẫu rau xà lách phát hiện có vi khuẩn Salmonella ở khu vực Phú Thủy; mẫu rau tía tô phát hiện có vi khuẩn E.Coli ở khu vực phường Đức Nghĩa; mẫu rau ngò rí phát hiện có vi khuẩn E.Coli, Salmonella ở khu vực thuộc chợ Phú Long (Hàm Thuận Bắc) và mẫu rau quế phát hiện có vi khuẩn E.Coli ở chợ La Gi.
Trước đó, từ ngày 1 - 5/7/2024, Sở Y tế tỉnh phối hợp Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức lấy mẫu giám sát, phân tích mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Tổng số mẫu được phân tích là 30 mẫu; bao gồm 15 mẫu thuộc nhóm thịt, sản phẩm chế biến từ thịt như giò chả, nem chua, gà đông lạnh nhập khẩu chế biến, nem nướng, pa tê, heo quay; 10 mẫu như chả cá, mực xé tẩm bao gói sẵn, thủy sản chế biến bán rong tại các khu du lịch; 5 mẫu các loại rau ăn sống.
Không đạt vi sinh, nguy cơ ngộ độc
Thông qua kết quả giám sát phân tích như đề cập trên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh đánh giá mối nguy về an toàn thực phẩm một số sản phẩm nguy cơ cao. Với nhóm sản phẩm rau ăn sống, kết quả mẫu không đạt về vi sinh vật gây bệnh là khá cao. Sản phẩm rau ăn sống thường được sử dụng trực tiếp, không có quá trình gia nhiệt. Vì vậy, yếu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm là hiện hữu. Do đó cần tăng cường giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu trồng trọt đến quá trình buôn bán và chế biến.
Với nhóm hải sản chế biến bán rong tại các khu du lịch, kết quả 1 mẫu không đạt trong số 6 mẫu được lấy và phân tích. Điều này cho thấy, chất lượng của thực phẩm không đảm bảo và khả năng gây ngộ độc thực phẩm là rất cao. Vấn đề kiểm soát đối với các cơ sở bán rong cần phải được quan tâm. Đặc biệt là các cơ sở bán rong tại các khu du lịch đông khách cần được kiểm soát chặt chẽ.
Nâng cao nhận thức, nhân rộng mô hình
Trước mối nguy an toàn thực phẩm ở các sản phẩm rau ăn sống, Sở Y tế tỉnh kiến nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rau theo phân công, phân cấp quản lý. Cùng với đó, là đề nghị kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm từ khâu gieo trồng đến thu hoạch và quá trình sơ chế, chế biến. Không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để tưới rau. Tăng cường hoạt động lấy mẫu giám sát mối nguy an toàn thực phẩm các sản phẩm rau. Tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của bà con nông dân, người trồng trọt, người sản xuất thực phẩm nông sản trong thực hành sản xuất an toàn thực phẩm. Nhân rộng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng UBND TP. Phan Thiết, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm với các loại hình bán rong dọc theo các bãi biển, khu du lịch vui chơi đông người theo phân công, phân cấp quản lý trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố tại các khu du lịch trên địa bàn nhằm hạn chế mối nguy ô nhiễm thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho du khách. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng rong không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng hóa đã hư hỏng, biến chất, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổ chức lấy mẫu đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm với một số thực phẩm có nguy cơ cao, hàng bán rong, thức ăn đường phố, các hàng, quán trước các khu công nghiệp, trường học và bệnh viện trên địa bàn.