Bình Thuận đi tìm “bản sắc riêng”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:04, 14/08/2024
Trong buổi tọa đàm, để lắng nghe những góp ý, xây dựng về Đề án “Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới” với 16 giá trị chuẩn mực cốt lõi của các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam, được cụ thể hóa với từng chuẩn mực cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của Bình Thuận nói cách khác, đi tìm bản sắc riêng cho con người Bình Thuận.
Các chuyên gia đầu ngành đều mong muốn Bình Thuận có bản sắc riêng.
Trong buổi tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: Đối với nội dung đề án, lý luận là điều rất quan trọng. Đây là nền tảng để xây dựng các hệ thống và giá trị thực tiễn. Do đó cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận của đề án. Việt Nam đang ở giai đoạn biến động rất mạnh về văn hóa, sự chuyển đổi hệ giá trị văn hóa đang diễn ra nhanh chóng và là xu thế tất yếu, chính vì thế bản thân các giá trị văn hóa truyền thống cũng cần phải thay đổi sao cho phù hợp với thực tế. Đừng quá coi trọng việc duy trì, bảo tồn văn hóa truyền thống. Mỗi giá trị văn hóa đưa vào đề án cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng theo hướng chỉ đưa vào đề án những giá trị mà địa phương hướng đến hoặc còn đang thiếu, không nhất thiết phải bám sát theo các định hướng của Trung ương...
Nhiều ý kiến cho rằng, đề án “Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới” bất cứ một đề án nào về tổng thể đều phải có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Đề án cần làm rõ 2 mục tiêu này, tránh nói chung chung với các ý từ các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Để có mục tiêu cụ thể ngoài việc lấy các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới làm chuẩn, cần phải xác định rõ những đặc trưng của đất và người Bình Thuận trong quan hệ với các địa phương khác và trong tổng thể kinh tế - xã hội của Việt Nam...
PGS. TS. Nguyễn Xuân Tế Đơn - Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhìn nhận: Nội dung đề án đã bám sát các giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và các chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn mới và lấy đó làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng đề án. Hệ giá trị quốc gia bao gồm các hệ giá trị cơ bản: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị gia đình bao gồm 4 hệ giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Vì vậy, sau khi xác định nội dung và nhiệm vụ cụ thể xây dựng chuẩn mực văn hóa, giá trị của con người Bình Thuận trong đề án cần đưa ra Bộ tiêu chí cụ thể để ứng xử trong gia đình, cơ quan và địa phương tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý trực tiếp đối với nội dung dự thảo đề án, làm rõ về tính khoa học và tính thực tiễn của đề án, nhất là những nội dung cụ thể của chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận. Các ý kiến phân tích, đánh giá, sự đóng góp, phản biện của các chuyên gia để có thể rút ra những nét đặc trưng cơ bản về văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận bổ sung nội dung dự thảo đề án được hoàn thiện, đầy đủ nhất.
Theo ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xứng tầm là một trong nhiều yêu cầu được tỉnh Bình Thuận đặt ra. Đây là lý do ra đời của Đề án “Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”. Chính vì vậy, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại cuộc họp để sớm hoàn thiện đề án, đảm bảo tính khả thi của đề án khi triển khai áp dụng vào thực tiễn. Trước mắt địa phương đang rất cần những nghiên cứu chuyên sâu, làm cơ sở để ban hành các nghị quyết, chương trình hành động để tạo ra nền tảng chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận. Hiện nay, địa phương đang gặp khó trong việc tìm ra “bản sắc riêng” của văn hóa, con người Bình Thuận. Do đó, rất mong nhà trường cùng các chuyên gia sẽ góp sức cùng với địa phương tìm ra nét đặc trưng, bản sắc riêng của văn hóa, con người Bình Thuận.
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận phát biểu tại buổi tọa đàm.