Đừng thờ ơ với bảo vệ di sản văn hóa, thắng cảnh
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 21:37, 13/08/2024
Coi nhẹ bảo vệ thắng cảnh?
Thắng cảnh Bàu Trắng thuộc địa bàn xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào tháng 9/2019. Tổng thể thắng cảnh Bàu Trắng được các ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận thống nhất khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích 371,88 ha; trong đó khu vực I có diện tích 285,91 ha; khu vực II với diện tích 85,97 ha (bao gồm cả Bàu Ông, Bàu Bà và đồi cát trinh nữ).
Những ngày gần đây, sự việc ông NNN (địa chỉ thôn Hồng Hải, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) san ủi, xây dựng công trình tác động đến hành lang bảo vệ thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng với quy mô lớn, bao gồm nhiều hạn mục được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kiểm tra, phát hiện và các cơ quan báo chí thông tin làm dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Sau khi đi kiểm tra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND huyện Bắc Bình để địa phương này chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND xã Hòa Thắng kiểm tra xử lý. Huyện cũng yêu cầu Phòng Nội vụ làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để công trình xây dựng xâm hại đến thắng cảnh. Công trình sau đó phải tiến hành tháo dỡ theo quy định trả lại hiện trạng ban đầu. Điều đáng nói làm cho dư luận bức xúc là công trình không phải cây kim, sợi chỉ nhưng trong quá trình san ủi, triển khai xây dựng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Trở lại việc thắng cảnh Bàu Trắng bị công trình xâm hại, thì đây không phải là lần đầu tiên. Cách đây hơn 1 năm, một doanh nghiệp đã xây dựng khách sạn M.L.Villa tại bờ hồ Bàu Ông, trong đó, một số công trình lấn chiếm khu vực khoanh vùng bảo vệ I của thắng cảnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra, đối chiếu với biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ thắng cảnh Bàu Trắng, với phần diện tích công trình xâm phạm vào khu vực bảo vệ I của thắng cảnh ước tính khoảng 300 m2. Nghiêm trọng hơn, phần lan can của công trình và cây cầu dẫn ra điểm check in đã xâm phạm và tác động trực tiếp đến mặt hồ nước. Sở Xây dựng Bình Thuận cùng phối hợp với UBND huyện Bắc Bình lập đoàn kiểm tra hiện trường và phần xây dựng vi phạm và chủ đầu tư khách sạn này phải tự tháo dỡ toàn bộ.
Chung tay bảo vệ di sản văn hóa
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Trong đó, Di tích lịch sử - văn hóa Trường Dục Thanh (Phan Thiết) được xếp hạng đầu tiên vào ngày 12/12/1986 và gần nhất chính là thắng cảnh Bàu Trắng vào ngày 3/9/2019.
Trong số các công trình di tích xếp hạng cấp quốc gia ngoài 2 di tích và thắng cảnh trên, còn có rất nhiều công trình nổi tiếng, mang giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, tinh thần và phong cảnh như: Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Pô Sah Inư (Phú Hài - Phan Thiết), Thắng cảnh chùa Núi (Hàm Thuận Nam), Di tích thắng cảnh Cổ Thạch tự (chùa Hang, Tuy Phong, Di tích lịch sử đình - Vạn Thủy Tú (Ðức Thắng - Phan Thiết), Di tích kiến trúc nghệ thuật Dinh Thầy Thím (Tân Hải – La Gi)...
Để bảo vệ các di sản văn hóa, Nhà nước có Luật Di sản văn hóa (Luật số 28/2001/QH10), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2002 để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Luật nghiêm cấm các hành vi xâm phạm tới di sản văn hóa như chiếm đoạt, làm sai lệch, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, việc quản lý và bảo vệ để phát huy các giá trị từ di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng, cũng như địa phương thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa đến việc xâm hại các di sản văn hóa, mà những vụ việc như xảy ra ở Bàu Trắng là điển hình.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trước hết phải xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa, để từ đó nâng cao trách nhiệm của mỗi ngành liên quan và nhất là địa phương nơi có di sản văn hóa. Qua đó tăng cường công tác quản lý, gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Đồng thời phát huy vai trò giám sát cộng đồng, kịp thời phát hiện, điều chỉnh sai sót, xâm hại làm ảnh hưởng đến giá trị của di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan và địa phương cần thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý các di sản văn hóa. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di sản văn hóa. Tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương...