Tạo dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận trên bản đồ Việt Nam và thế giới

Du lịch - Ngày đăng : 09:00, 14/08/2024

Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng, phong phú, đa dạng, con người hiền hòa, thân thiện, cởi mở, mến khách, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chất lượng đã tạo dựng được thương hiệu

Qua nhiều năm tạo dựng hình ảnh du lịch Bình Thuận nhằm góp phần trong quảng bá hình ảnh mảnh đất con người đến với bạn bè quốc tế, hình ảnh du lịch Bình Thuận ngày càng trở nên hấp dẫn, thân thiện hơn với du khách. Bên cạnh các điểm đến đã khẳng định thương hiệu, các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới và là một trong những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Bình Thuận tiếp tục được khẳng định trên thương trường trong nước và quốc tế. Bởi lẽ, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngành du lịch không ngừng được đầu tư, tăng trưởng, Bình Thuận đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trải dài từ La Gi đến Tuy Phong, các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận hướng tới trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, chính vì thế tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh từng bước được nâng lên, lượng du khách và doanh thu du lịch tăng đều hàng năm đã tạo nên thương hiệu và uy tín, từng bước trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước. Thương hiệu được khẳng định đó là: Bình Thuận là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, TP. Phan Thiết là đô thị du lịch quốc gia, Mũi Né đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia. Lượng khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng hàng năm tăng, doanh thu tăng trưởng ở mức cao. Cơ sở hạ tầng du lịch và dịch vụ phụ trợ của Bình Thuận ngày càng đa dạng, phong phú với hệ thống hơn 590 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động kinh doanh với trên 17.600 phòng và gần 1.000 căn hộ, biệt thự du lịch, 400 cơ sở ăn uống, mua sắm cùng các dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí khác.

dsc_2438.jpg
Khu đô thị Nova World tại Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

Trong giai đoạn gần đây, du lịch của Bình Thuận có bước phát triển đầy ấn tượng, khẳng định thế mạnh vượt trội với nhiều kết quả quan trọng. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng ở mức bình quân 12,3% năm, doanh thu bình quân 25,8% năm, bình quân công suất sử dụng phòng đạt từ 50 - 70%. Các sản phẩm du lịch ngày càng hấp dẫn hơn, nguồn nhân lực ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nâng dần chất lượng. Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được quan tâm, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện nên đã thu hút được một số nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, đầu tư dự án quy mô lớn, cao cấp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh. Định hướng đa dạng mô hình dựa trên lợi thế biển.

Trên hành trình trở thành trung tâm du lịch quốc gia

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, trong Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế. Trên thực tế, trong những năm gần đây Bình Thuận liên tục đón dòng vốn đầu tư các dự án ven biển nhằm phục vụ nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao cả số lượng lẫn chất lượng. Trong giai đoạn 2011 - 2023, tỉnh đã chấp thuận đầu tư 56 dự án du lịch ven biển và có nhiều chủ đầu tư lớn đầu tư vào thị trường này.

Điều đó cho thấy, phát triển đa dạng hóa những sản phẩm du lịch chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển. Thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao biển. Hình thành và phát triển một số trung tâm hội nghị, hội thảo, triển lãm, mua sắm, giải trí quy mô lớn, hiện đại tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch trọng điểm tiềm năng của tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2025 Bình Thuận sẽ thực hiện thí điểm phát triển mô hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực dọc 2 bên đường Nguyễn Đình Chiểu, thuộc phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết. UBND tỉnh cũng lên phương án kết hợp chặt chẽ du lịch với y tế, phát triển một số dịch vụ y tế chất lượng cao kết hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe trở thành dịch vụ mũi nhọn. Ngoài ra, đáp ứng xu hướng thân thiện với môi trường thiên nhiên, Bình Thuận đang phát triển các loại hình du lịch xanh như cắm trại, chèo thuyền, leo núi, vượt thác, câu cá ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Phú Quý, du lịch sinh thái Bình An farm… Đây cũng là cách kết hợp nâng cao 2 mũi nhọn kinh tế của tỉnh là du lịch và nông nghiệp.

PHAN LIÊN