Phát triển khu công nghiệp tại Bình Thuận. Bài 1
Kinh tế - Ngày đăng : 05:11, 21/08/2024
Từ 1 khu công nghiệp (KCN) đầu tiên chính thức khởi công xây dựng vào năm 1999, đến nay sau 1/4 thế kỷ tại Bình Thuận đã có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phát triển theo định hướng
Năm 1996, Tỉnh ủy Bình Thuận có chủ trương chuẩn bị tốt điều kiện hướng tới xây dựng trước 1 KCN với quy mô nhỏ ở địa phương để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Qua hơn 2 năm chuẩn bị, đến tháng 9/1998 tại vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ đã ghi dấu mốc khi có KCN đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư và cho phép hình thành. Sau đó trong năm 1999, KCN Phan Thiết chính thức khởi công xây dựng và Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cũng được thành lập nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với KCN trên địa bàn tỉnh…
Thực tế cho thấy nếu như giai đoạn 1998 - 2005, Bình Thuận chỉ hiện diện duy nhất KCN Phan Thiết giai đoạn 1 (diện tích 68 ha) thì các giai đoạn tiếp theo đã hình thành nhiều KCN mới. Cụ thể trong giai đoạn 2006 - 2010 tiếp tục có thêm KCN Phan Thiết giai đoạn 2 (quy mô 40,7 ha), KCN Hàm Kiệm I (132,67 ha), KCN Hàm Kiệm II (hơn 400 ha). Tiếp đó ở giai đoạn 2011 - 2015 xúc tiến hình thành KCN Sông Bình (300 ha), KCN Tuy Phong (150 ha) và giai đoạn từ 2016 đến nay phát triển thêm KCN Sơn Mỹ 1 (quy mô 1.070 ha), KCN Tân Đức (300 ha), KCN Sơn Mỹ 2 (giai đoạn 1 được chấp thuận đầu tư với quy mô 468,35/540 ha).
Như vậy trải qua 1/4 thế kỷ, hiện tại toàn tỉnh có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô diện tích gần 3.000 ha, bao gồm 8 KCN đa ngành và 1 KCN chuyên ngành chế biến titan… Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, tất cả KCN được hình thành trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều hướng tới thực hiện 5 mục tiêu kinh tế. Đó là: Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; du nhập kỹ thuật, công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ. Đồng thời còn tham gia giải quyết việc làm cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các địa phương có KCN trên địa bàn.
Cùng với đó, hầu hết KCN tại Bình Thuận cũng được định hướng phát triển theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đã ban hành qua các nhiệm kỳ nhằm tận dụng, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và phù hợp tình hình địa phương. Như các nhiệm kỳ trước có Nghị quyết số 28 (ngày 5/10/2005) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010, định hướng đến năm 2015; Nghị quyết số 08 (ngày 25/10/2016) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Còn hiện nay thực hiện theo Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy (khóa XIV) ban hành ngày 31/12/2021 về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Thể hiện sự trưởng thành
Trong các KCN tại Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện có 5 KCN xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh và đã thu hút dự án thứ cấp là KCN Phan Thiết giai đoạn 1, KCN Phan Thiết giai đoạn 2, KCN Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, KCN Sông Bình. Đối với 4 KCN còn lại (Tuy Phong, Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 - giai đoạn 1) thì đang thực hiện công tác đền bù giải tỏa, tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng… Ông Phùng Hữu Cư - Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết: Quá trình xúc tiến đầu tư và quản lý dự án đầu tư trong KCN, các nhà đầu tư đều được tiếp cận công bằng, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết cho đến nay, các KCN đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh đã thu hút gần 90 dự án thứ cấp còn hiệu lực (trong đó có 25 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký hơn 16.700 tỷ đồng và hàng trăm triệu USD. Đó còn chưa kể tại Sơn Mỹ 1 bước đầu có 3 dự án quy mô lớn đăng ký triển khai thực hiện là Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II với số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 5 tỷ USD… Đối với dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN trên địa bàn Bình Thuận cũng thể hiện sự đa dạng về ngành nghề, quy mô lẫn trình độ công nghệ. Trong đó những ngành nghề chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao tập trung vào lĩnh vực: Khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất giấy - bao bì, sản xuất đinh vít các loại, sản xuất giày dép và nguyên phụ liệu giày dép, sản xuất thực phẩm từ nông sản (thanh long, nấm, thảo dược, yến sào, hạt điều), chế biến thủy hải sản...
Nhìn lại chặng đường phát triển, địa phương cũng thừa nhận công nghệ của doanh nghiệp trong KCN vào thời gian đầu đa số cũ kỹ, thâm dụng lao động, sử dụng nguồn nguyên liệu dễ tìm trên thị trường và gia công là chủ yếu. Nhưng về sau đã từng bước nâng dần trình độ công nghệ, quan tâm đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua còn có nhiều lượt công nhân ưu tú được doanh nghiệp đưa sang Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc... để đào tạo chuyên sâu. Nhờ đó giúp lao động trong nước tiếp cận kỹ thuật, học hỏi trình độ quản lý tiên tiến cũng như dần thay thế các chuyên gia nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của KCN tại Bình Thuận.
Đầu tháng 2/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ban hành Kết luận sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đã ghi nhận một số kết quả tích cực, nổi rõ là: Tỷ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh tăng hàng năm và đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong 2 năm qua, các KCN tỉnh đã thu hút 11 dự án đầu tư thứ cấp, lũy kế đến nay thu hút 88 dự án đầu tư thứ cấp, toàn tỉnh có 6 KCN cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng…