Quyết tâm công phá “tảng đá” trách nhiệm

Chính trị - Ngày đăng : 05:15, 21/08/2024

Bài 2: “Trách nhiệm - đang ở đâu?”

“Tiếng nói của người trong cuộc” – Kỳ 1, đã cho thấy, mặc dù gặp khó khăn trong quá trình xử lý đơn thư đối với vụ việc chưa từng có trong tiền lệ, nhưng “người trong cuộc” đã giữ được lời hứa với nhân dân bằng lương tâm và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, họ đã “vượt rào” với đích đến là lợi ích chính đáng của người dân. Thế nhưng thực tế hiện nay không phải cán bộ nào cũng được như vậy. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã và đang xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vậy đâu là nguyên nhân “gốc rễ” dẫn đến tình trạng này? Và câu hỏi “trách nhiệm – đang ở đâu?” là những câu hỏi buộc phải có lời giải đáp.

phan-thiet-anh-n_-lan-1-(1).jpeg
Bình Thuận trên đà phát triển.

Nhận diện thực trạng

Những năm gần đây, vấn đề “trách nhiệm” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Chúng ta có thể nhắc đến “trách nhiệm của cán bộ đảng viên”, “trách nhiệm của công chức viên chức”, “trách nhiệm của người đứng đầu”, và “trách nhiệm nêu gương”... Vậy “trách nhiệm” là gì? Theo từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học (2003) giải thích, “trách nhiệm” có nghĩa là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. Trong di sản Hồ Chí Minh, Bác Hồ có nói về tinh thần trách nhiệm: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, “đánh trống bỏ dùi”, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm”. Bác cũng đã nhấn mạnh: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Và “gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng”.

Đối với Bình Thuận, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển Bình Thuận đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực, đang trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Thành quả đấy, là sự kết tinh của tư duy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, sự đoàn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và của từng cán bộ, nhân dân tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm... giai đoạn nào cũng có, thế nhưng trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh vấn đề này được nhắc đến thường xuyên. Từ thực trạng khuyết điểm, hạn chế, tồn tại trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhận diện một số biểu hiện này đối lãnh đạo quản lý. Đó chính là không chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách; không thể hiện chính kiến trong tham mưu, chỉ đạo, xử lý công việc. Không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, địa phương, đơn vị mình; không báo cáo hoặc chậm báo cáo, báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không đúng kết quả thực chất việc thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cơ quan, địa phương, đơn vị mình. Không ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách; các vấn đề lớn, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, chưa có tiền lệ; các công việc nổi cộm, bức xúc liên quan đến địa bàn, lĩnh vực đang công tác. Tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình.

Đối với cán bộ, đảng viên công chức không giữ chức vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận diện các biểu hiện như, không sâu sát, tích cực, chưa làm hết trách nhiệm trong công việc; tham mưu, giải quyết công việc không cụ thể, không rõ ràng, làm cho xong việc, kéo dài thời gian giải quyết công việc, “ngâm” việc, “chuyện dễ thì làm, khó thì bỏ qua”. Thiếu ý chí phấn đấu, thiếu động lực làm việc, không cầu tiến, an phận, sợ thực hiện việc khó, sợ sai hoặc lựa chọn những vị trí, lĩnh vực công tác “an toàn”, ít rủi ro, ít áp lực. Thụ động, không quyết đoán, trông chờ và chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên hoặc dựa vào tập thể để quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của cá nhân…

dbthong.k7.046.jpg
Vấn đề "trách nhiệm" được ông Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Đi tìm nguyên nhân “gốc rễ”?

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Chính tình trạng này đã dẫn đến việc giải quyết hiệu quả công việc chưa cao. Gọi đây là “hiện tượng”, ông Thông phân tích 2 nguyên nhân dẫn đến cán bộ sợ sai. Một là, văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp; thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Hai là, năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức còn hạn chế. “Trong thời gian vừa qua, việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm, nhất là những văn bản dưới luật và việc bồi dưỡng cho đội ngũ thực thi chính sách (công chức, viên chức) chưa chú trọng nhiều vào học chuyên môn, nghiệp vụ”, ông Thông nói.

Từng được hỏi về việc trách nhiệm của mình trong công tác tham mưu ở thời điểm này, một cán bộ sở trên địa bàn tỉnh cho biết: Quá nhiều những “vùng xám” chồng chéo, rồi đến những thiếu sót, bất cập trong quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ vào nỗi thấp thỏm, lo sợ giữa lằn ranh đúng – sai. “Đối với Luật Đất đai hiện hành, có những quy định của luật rất vướng, nếu thực thi theo quy định của Luật Đất đai thì đúng nhưng chiếu theo quy định của Luật Đầu tư thì sai. Cũng vì sự chồng chéo này, chúng tôi khi tham mưu phải rất thận trọng, rà soát rất kỹ, và tâm lý cũng có phần lo ngại”, vị cán bộ này nói.

Trong khi đó, theo chia sẻ của một người đứng đầu một địa phương, thời gian vừa qua, nhất là sau khi cơ quan chức năng khởi tố, xét xử một số cán bộ nguyên chức và đương chức của tỉnh liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn thì tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm ngày càng trầm trọng. “Khi cơ quan Trung ương thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm, dẫn đến nhiều cán bộ quản lý bị xử lý theo pháp luật. Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của CBCCVC trong giai đoạn hiện nay. Nhiều cán bộ không an tâm làm việc, có tâm trạng băn khoăn, lo lắng, nghi ngại, sợ sai trong quá trình nghiên cứu các quy định để thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với việc xử lý vướng mắc các hồ sơ công việc trước đây”, vị lãnh đạo này cho biết.

Một nguyên nhân nữa xuất phát từ chính CBCCVC. Đó là, năng lực, trình độ của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu chức danh, yêu cầu công việc, thiếu kỹ năng... dẫn đến ngại việc khó, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. Từ phân tích về những “hạt sạn” trong chất lượng CBCCVC, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, có một phần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bởi, người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa quyết tâm, quyết liệt, chưa sâu sát, tập trung đúng mức; thiếu phương thức, biện pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả; chưa thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là những việc khó, còn có vướng mắc đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao; chưa thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi công việc của cán bộ, công chức... thì “trách nhiệm đang ở đâu?” sẽ là câu hỏi “thường trực” của người dân khi họ cần cán bộ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông cho hay có tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận CBCCVC có cán bộ đã tâm sự rằng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Bài 1: Tiếng nói người trong cuộc

Thanh Nhàn