Quyết tâm công phá “tảng đá” trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 03:33, 22/08/2024
“Trách nhiệm – đang ở đâu?” – Kỳ 2, đã nhìn nhận và phân tích nguyên nhân “gốc rễ” của tình trạng né tránh, đùn đẩy làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Điều này đã tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của tỉnh nhà, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước, do vậy phải khẩn trương được khắc phục. Đảng bộ, chính quyền Bình Thuận đã có những giải pháp gì để trị “căn bệnh sợ trách nhiệm” này?
Hệ lụy từ “căn bệnh sợ trách nhiệm”
Do đặc thù nghề nghiệp, tôi biết đến những câu chuyện với nhiều uẩn khúc liên quan đến thủ tục hành chính và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giải quyết. Gần đây nhất, có một doanh nghiệp than phiền rằng, hiện nay dự án của họ chưa thể triển khai thi công, bởi chưa được cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, dự án này thuộc diện được cấp phép và mọi thủ tục họ cũng đã đáp ứng xong. “Chúng tôi cũng đã gửi nhiều văn bản, đơn thư đến các sở, ban ngành liên quan để mong được hỗ trợ giải quyết sớm. Thế nhưng do thời gian xem xét có phần kéo dài và chưa biết cụ thể khi nào sẽ được cấp giấy phép xây dựng, nên doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với đối tác của mình”, vị lãnh đạo của doanh nghiệp này cho biết.
Cũng vì có tình trạng “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”, né tránh, đùn đẩy trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trên địa bàn tỉnh nên nhiều năm liên tục, các chỉ số đo lường về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); về cải cách hành chính (PAR Index); về quản trị và hành chính công; về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Bình Thuận thuộc nhóm thấp, có năm chỉ số đứng thứ 63/63 tỉnh, thành. Đâu dừng lại ở đó, câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công lại một lần nữa nhắc lên 2 chữ “trách nhiệm”. Vốn đã được Nhà nước phân bổ, có dự án rồi nhưng lý do vì sao vẫn giải ngân chậm? Tính đến 15/7/2024, toàn tỉnh mới giải ngân được 1.224,811 tỷ đồng, đạt 24,09% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
UBND tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính là việc một số sở, ban, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa sâu sát để xử lý, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn. Năng lực quản lý dự án một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện thi công công trình, giải ngân kế hoạch vốn… Những thực trạng trên đã tạo nên một “sức ì” cản trở sự phát triển của Bình Thuận trong thời gian qua.
Những “toa thuốc đặc trị”
Để chấn chỉnh tình trạng “sợ trách nhiệm”, trong thời gian qua, các ngành, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đưa ra nhiều biện pháp, cách làm quyết liệt. Điển hình như Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận, với 78 tổ chức cơ sở Đảng, đồng thời có số lượng đảng viên đông, nhiều đồng chí nắm giữ những chức vụ trọng trách của các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Bình Thuận. Mọi chủ trương, quyết sách, nghị quyết của Đảng gần như đều do cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Khối tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Lực lượng này có ảnh hưởng rất lớn, lan tỏa trong hệ thống chính trị và trên tất cả lĩnh vực về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, trên thực tế còn tồn tại một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm… dẫn đến ảnh hưởng quá trình triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Trước thực trạng này, bà Lê Thị Hải Duyên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối cho biết, để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc, trước hết phải giải quyết tốt bài toán về công tác tư tưởng. Phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, để cán bộ, công chức xác định rõ trách nhiệm của mình là công bộc của dân; loại bỏ tư tưởng “không làm - không sai”. Bà Duyên khẳng định: “Phải xác định rõ là cơ quan, đơn vị nào còn tình trạng “sợ trách nhiệm”, thì cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đó phải đưa ra các giải pháp để khắc phục, trong đó cần rà soát lại các quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa một cách bài bản những vi phạm về văn hóa công vụ và trách nhiệm công vụ; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, tạo điều kiện tốt cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, trách nhiệm và cống hiến hết mình cho cơ quan, đơn vị. Phân công nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với khả năng, năng lực và sở trường của từng cán bộ, công chức, viên chức…”.
Nhìn rộng hơn trong toàn Đảng bộ tỉnh, Bình Thuận hiện có 463 tổ chức cơ sở Đảng (gồm 248 đảng bộ cơ sở và 215 chi bộ cơ sở) với 41.782 đảng viên; trong đó, cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 370 đồng chí. Nhận diện và tìm ra hướng xử lý dứt điểm tình trạng trên, Tỉnh ủy Bình Thuận đã yêu cầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo nguyên tắc “một nhiệm vụ, một việc giao một đơn vị, một cá nhân chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành”. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần xác định, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu, người thực hiện công tác quản lý, điều hành. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; kiểm tra hoạt động công vụ, tác phong, lề lối làm việc… nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các tổ chức, cá nhân có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng sợ trách nhiệm không dám làm. Mặt khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, vi phạm kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc. Ngoài ra, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, phát sinh tư tưởng làm việc “cầm chừng, phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, gây cản trở đến sự phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Những “toa thuốc đặc trị” của Bình Thuận đang dần phát huy tác dụng trong quá trình chữa trị “căn bệnh sợ trách nhiệm”; tuy nhiên để trị dứt điểm căn bệnh trên, vấn đề “cơ chế và con người” vẫn là 2 yếu tố mang tính chất quyết định.
Một trong những giải pháp của Bình Thuận trong việc “chữa trị” căn bệnh “sợ trách nhiệm”, đó là: “Từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải tiến hành rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo nguyên tắc “một nhiệm vụ, một việc giao một đơn vị, một cá nhân chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành…”.