Kinh tế tập thể - một thành phần kinh tế quan trọng hiện nay!

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:27, 22/08/2024

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vì sao kinh tế tập thể có vai trò quan trọng?

Kinh tế tập thể, mà thành phần cấu thành chính, nổi bật là kinh tế hợp tác xã, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp gắn liền với ngành sản xuất vật chất chủ yếu nuôi sống đất nước và đóng góp kim ngạch xuất khẩu quan trọng. Với hơn 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số sống ở nông thôn và 40% lực lượng lao động làm nông nghiệp, nông dân là thành viên nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã, có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

tanh-linh-1-.jpg
Thu hoạch lúa ở cánh đồng mẫu lớn Tánh Linh. Ảnh: Đình Hòa

Kinh tế tập thể không chỉ tạo cơ hội liên kết sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh cho nông sản, mà còn ứng dụng công nghệ cao và tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Các hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung và cải thiện đời sống của thành viên thông qua chia sẻ lợi ích và nguồn lực. Bên cạnh những thành tựu đạt được, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều thách thức như quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh hạn chế, và cần có thêm chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn để phát triển bền vững trong tương lai.

Mới đây, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”.

Kinh tế tập thể ở Bình Thuận: Kết quả và giải pháp

Với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ.

tanh-linh-2-.jpg
Gạo Tánh Linh. Ảnh: Đình Hòa

Cụ thể, đến hết năm 2023, Bình Thuận có 219 hợp tác xã (HTX), tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022, với gần 50.000 thành viên. Trong số này, 197 HTX đang hoạt động, trong đó 146 HTX tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Khu vực kinh tế tập thể đã khắc phục tình trạng yếu kém cơ bản và có sự chuyển mình tích cực với doanh thu trung bình gần 3,6 tỷ đồng/HTX, tăng 35% so với năm trước, và lợi nhuận tăng 71% đạt khoảng 366 triệu đồng/HTX. Kinh tế tập thể, đặc biệt là HTX, đã góp phần đóng góp vào GDP của tỉnh, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên và tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tập thể còn nhiều thách thức, như năng lực quản lý còn hạn chế và một số chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả.

Để kinh tế tập thể của địa phương có bước phát triển mới; thời gian đến Bình Thuận cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục tuyên truyền khẳng định vai trò của kinh tế tập thể là thành phần quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần tiếp tục ban hành và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, chú trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, quy định rõ ràng về cơ chế hoạt động và quản lý hợp tác xã, từ đó thu hút sự tham gia của các thành viên. Cần xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực để tăng cường tối đa lợi ích cho các thành viên. Việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, gắn kết sản phẩm với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cũng là các yếu tố cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh. Đẩy mạnh công tác đào tạo, quản lý và phát triển nguồn nhân lực cho các hợp tác xã. Đảm bảo rằng cán bộ quản lý hợp tác xã có đủ năng lực và trình độ chuyên môn để điều hành hiệu quả, và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc tham gia kinh tế tập thể.

UBND tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển; trong đó có các chính sách hỗ trợ riêng và nội dung lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ phát triển của các ngành, lĩnh vực, qua đó đã thúc đẩy huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Huỳnh Thanh