Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chất vấn về công tác giám định tư pháp
Chính trị - Ngày đăng : 08:48, 22/08/2024
Tại điểm cầu Bình Thuận, có sự tham dự của ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động giám sát lại, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Theo đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm lĩnh vực: nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch; nhóm lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.
Tại phiên chất vấn này vào chiều ngày 21/8, ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn Đại buổi Quốc Hội tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi: Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp tuy được tăng cường, nhưng thực tế công tác này vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chế độ bồi dưỡng, chính sách đối với người giám định tư pháp còn thấp và lạc hậu, chưa được tháo gỡ. Có 3/12 bộ, cơ quan ngang bộ chưa ban hành quy định giám định. Điều này dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc chậm đưa ra xử lý có nguyên nhân từ công tác giám định tư pháp. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp có giải pháp căn cơ nào nào để giải quyết tình trạng trên?
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải đáp: Số vụ việc tồn đọng về giám định qua các phiên họp có giảm. Với ban hành thể chế, số lượng bộ, ngành ban hành hướng dẫn quy định liên quan công tác giám định tư pháp thuộc quản lý của bộ, ngành có tăng. Tuy nhiên, chi phí giám định chưa thực hiện được.
Hiện nay, liên quan chi phí giám định thực hiện theo Quyết định 01 của Chính phủ ban hành năm 2014. Thời gian qua, Bộ Tư Pháp thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đã có sơ kết, tổng kết, đánh giá lại và dự kiến trình cái mới. Quá trình làm việc này thực hiện Nghị quyết 27 để cải cách tiền lương. Trong đó, có lương hóa cho tất cả các khoản chi, phụ cấp kể cả các khoản chi đặc thù, thành ra có chậm lại. Ý kiến các Bộ, ngành trong Chính phủ tương đối thống nhất. Bộ Nội Vụ, Bộ Tài Chính trả lời rất đúng quy định.
Pháp lệnh chi phí tố tụng hiện nay có một số quy định chưa rõ về cách thức chi, xử lý các nguồn chi, hoạt động chi. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hiện nay Tòa án Nhân dân Tối cao đang trình pháp lệnh về chi phí tố tụng, gồm có xử lý 1 phần về vấn đề giám định tư pháp. Chính phủ đã có đóng góp ý kiến, đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản này và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Cùng với đó, là xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương và đang được tháo gỡ, dần cải thiện.