Làm bạn với con ở “tuổi nổi loạn”
Đời sống - Ngày đăng : 05:06, 23/08/2024
Như trường hợp của gia đình chị Thu Thảo (phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) là một ví dụ. Ngược lại với đứa con trai đầu luôn biết nghe lời, nhưng đứa con trai thứ hai 16 tuổi thời gian gần đây lại khiến gia đình chị phải đau đầu. Chị cho rằng con mình là một đứa trẻ rất bướng bỉnh, có đánh, có mắng, có nhẹ nhàng như con vẫn cứ “trơ trơ”, không thể dạy nổi.
“Tôi cảm thấy bất lực vô cùng, con tôi bắt đầu như vậy khoảng nửa năm trở lại đây. Con không quan tâm đến một việc gì, hay cãi lời cha mẹ, cái gì cũng tự thích làm theo ý mình… nhiều khi tôi tức quá cũng quát mắng và dọa đánh, nhưng cũng không ăn thua. Cứ ở nhà là suốt ngày thấy ngồi trong phòng, không học bài thì sẽ xem phim, xem điện thoại, đọc sách… chứ không trò chuyện với cha mẹ bao giờ. Nhiều người bảo với tôi là “tuổi nổi loạn” nó thế, chẳng biết có đúng hay không và phải làm thế nào để cùng con vượt qua khoảng thời gian này, để con tiếp tục tâm sự, nói chuyện với cha mẹ như trước đây”, chị Thảo chia sẻ.
Làm bạn cùng con, được con tâm sự mọi điều là mong ước không của riêng cha mẹ nào. Làm bạn với con cũng là con đường ngắn nhất và thuận lợi nhất giúp cha mẹ nuôi dạy con dễ dàng hơn. Nhất là ở tuổi dậy thì một giai đoạn nhạy cảm. Ở giai đoạn này, trẻ rất cần sự quan tâm chia sẻ từ phía người thân, nhất là cha mẹ. Tuy nhiên tâm sự với con khi dậy thì không phải việc dễ dàng mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể làm được.
Ở tuổi dậy thì, đa số các trẻ đều nghĩ rằng bản thân đã trưởng thành nên rất muốn sống và thể hiện như người lớn. Trẻ muốn tự quyết định mọi thứ cho cuộc sống của mình, muốn thể hiện bản lĩnh nên đôi khi sẽ không nghe lời cha mẹ. Sự cáu gắt của cha mẹ trong những lúc như vậy sẽ vô hình trung tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ với con cái.
Bên cạnh đó, hầu hết cha mẹ đều cho rằng mình đã trải qua giai đoạn tuổi dậy thì nên mình hiểu hết tất cả những suy nghĩ của bọn trẻ và những suy nghĩ khác đi của con là do chúng chưa có kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Cùng một sự việc nhưng ở những thời điểm khác nhau, môi trường khác nhau, thời đại cũng khác nhau thì suy nghĩ cũng khác nhau. Chính vì vậy, để có thể tâm sự với con khi dậy thì việc để con và gia đình hiểu nhau hơn là cần thiết.
Theo chuyên gia tâm lý, thời gian này cha mẹ hãy dành thêm thời gian cho con, cùng con tâm sự, chuyện trò, cùng con chia sẻ những thay đổi tâm sinh lý trong tuổi dậy thì. Đồng thời, cha mẹ không nên tạo cho con cảm giác bị kiểm soát, ép buộc bởi con đang lớn và cần có không gian riêng. Việc cha mẹ can thiệp quá nhiều vào đời tư của con, kiểm soát mọi mối quan hệ của con, đọc trộm nhật ký hay xem tin nhắn điện thoại khi con chưa đồng ý... Những điều này sẽ khiến con thấy khó chịu, thậm chí bực bội với cha mẹ, tự tạo khoảng cách với cha mẹ, dần thu mình lại, đôi khi ghét người thân, cảm giác mình không được tôn trọng. Bên cạnh đó, khi con chia sẻ quan điểm cá nhân, dù điều đó đúng hay sai, cha mẹ hãy lắng nghe, ghi nhận những suy nghĩ đó rồi phân tích cho con hiểu thay vì vội vàng phản bác. Việc phản bác sớm sẽ không có tác dụng mà còn khiến trẻ kiên quyết bảo vệ quan điểm, mâu thuẫn sẽ xảy ra... Khi tình cảm của các thành viên trong gia đình khăng khít thì con có thể dễ dàng chia sẻ những khúc mắc trong quá trình khôn lớn. Nhờ đó, cha mẹ có thể thấu hiểu và có nhiều định hướng tốt hơn cho tương lai của con sau này.