Phát triển kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 12:21, 23/08/2024
Mục tiêu cụ thể phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW): Đến năm 2030 cả nước có khoảng 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1,7 nghìn hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị… Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã một cách linh hoạt, đồng thời có sự hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã đổi mới toàn diện.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, nền kinh tế có độ mở lớn… Đối với kinh tế tập thể, quan điểm chỉ đạo của Đảng là quán triệt, bám sát chủ trương của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển; phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo; trên cơ sở thực tiễn để rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách, huy động, bổ sung nguồn lực phù hợp; đối với những vấn đề "đã chín, đã rõ", được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì tiếp tục thực hiện, nhân rộng; những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, làm chưa có hiệu quả thực chất thì cần thận trọng, vừa làm vừa thí điểm, rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, không chủ quan trước những biến động của tình hình thực tế.
Cùng với đó, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải tự chủ động vượt qua những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy, nhận thức và hành động, có tầm nhìn xa, chiến lược, tổ chức thực hiện bao trùm, tổng quát; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ hiện đại; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển cả số lượng và chất lượng các thành viên, lực lượng lao động tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động. Thành lập hợp tác xã trên nhiều lĩnh vực, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, dư địa phù hợp với tình hình thực tế của từng lĩnh vực, địa phương. Chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vươn lên cùng với các khu vực kinh tế khác. Đồng thời Nhà nước sẽ xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, dễ tiếp cận và có tính kế thừa, chuyển tiếp, tránh những xáo trộn, gây khó khăn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hỗ trợ phải theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng, dân chủ giữa các hợp tác xã và tạo cơ hội, động lực cho các hợp tác xã tự lực vươn lên.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới là quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, làm từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực… Cùng với những cơ chế chính sách của Trung ương, các địa phương, phải tiếp tục duy trì, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành, trường hợp không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế; các tỉnh, thành phố chưa ban hành phải ban hành chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; không trông chờ, ỷ lại. Nhiều mô hình tại các địa phương trong nước và trên thế giới đã thành công cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, tổ chức liên kết phát huy trí tuệ tập thể, cộng đồng trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu lực, nguồn lực của mỗi cá nhân, mỗi thành viên, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền kinh tế của đất nước.