Nhìn nhận lại vai trò thực sự của kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:07, 26/08/2024

Những năm qua, tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) trong tỉnh cơ bản dần ổn định và có chiều hướng phát triển khả quan hơn, cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, thực tiễn cho thấy, so với các thành phần kinh tế khác, KTTT cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng chưa thực sự cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân như mong đợi.

Có nhiều khởi sắc…

Gần đây, nhiều HTX đã đổi mới trong quản lý điều hành, xác định lại phương hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, năng động hơn. Việc quản lý tài chính từng bước đi vào nề nếp, thống nhất, năng lực nội tại của HTX cũng dần được cải thiện, tạo được việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 226 HTX, tăng 4,6% so cùng kỳ 2023, trong đó có 195 HTX đang hoạt động, chiếm đa số vẫn là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp với 148 HTX.

htx-thanh-long-thuan-tien-ham-liem-ham-thuan-bac-anh-n.-lan-1-.jpg
Nhiều HTX hoạt động năng động hơn. Ảnh: N.Lân

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc cùng nhau thực hiện các hoạt động mua, bán chung thông qua HTX giúp cho thành viên được cung ứng dịch vụ, vật tư đầu vào với giá cả phù hợp và chất lượng đảm bảo, từ đó, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, còn giúp cho việc tiêu thụ nông sản của thành viên HTX đạt hiệu quả cao hơn so với từng hộ bán riêng lẻ, chất lượng sản phẩm đồng đều và giá bán sẽ ổn định hơn, dễ dàng tìm kiếm đối tác tiêu thụ. Bên cạnh đó, HTX cũng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho thành viên thông qua phổ biến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, để phát triển sản phẩm theo chiều sâu, hình thành các khu vực chuyên canh (trồng rau sạch, trái cây, chăn nuôi...). Qua đó, từng bước hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp...

z5748676620482_3d80f6ed8d591a3fa6aba9c7cb1e3fcb.jpg
Sản phẩm hoa thanh long sấy khô.

Nhìn chung, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đã góp phần vào đóng góp chung của nền kinh tế, tăng cường tính liên kết hợp tác giữa các thành viên, giữa thành viên và HTX, giữa HTX với doanh nghiệp tạo nên những chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lợi thế của địa phương. Ngoài ra, các HTX cũng góp phần đóng góp vào việc quảng bá văn hóa, ẩm thực và du lịch địa phương thông qua các hoạt động trải nghiệm, tham quan cơ sở sản xuất và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà.

z5748676600132_358a6a6bfb8475575f504c1408790e66.jpg
Các HTX cũng góp phần đóng góp vào việc quảng bá văn hóa, ẩm thực và du lịch địa phương.

Năng lực nội tại còn yếu

Tuy nhiên, phải nhìn nhận, các HTX hiện có năng lực nội tại yếu, quy mô nhỏ, đặc biệt là các HTX thành lập mới theo Luật HTX 2012 chỉ có từ 7 đến 20 thành viên, vốn điều lệ thấp. Vốn góp của thành viên phần lớn là vốn danh nghĩa, năng lực cạnh tranh và hiệu quả thấp; rất ít HTX tiếp cận được nguồn vốn do không có tài sản thế chấp, phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, nên chưa đủ sức với các thành phần kinh tế khác. Một số HTX hoạt động chưa đúng theo Luật HTX, hoạt động chưa hiệu quả, cầm chừng, ngừng hoạt động. Số HTX sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, việc tích tụ ruộng đất sản xuất theo quy mô lớn còn hạn chế. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu dùng - xuất khẩu chưa đa dạng.

z5748676634554_7083d465312e490598f35782a18688e3.jpg
Đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long.

Đặc biệt, hầu hết các HTX chỉ mới dừng lại ở khâu sản xuất, việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh hầu hết phải thông qua các công ty xuất nhập khẩu ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn hạn chế, việc xây dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu thương hiệu, mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của các HTX chưa nhiều. Ngoài ra, khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển KTTT, HTX, như: Chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách tiếp cận nguồn vốn, chính sách thu hút cán bộ trẻ về làm việc trong HTX...

Để cùng nhau nhìn nhận lại vai trò thực sự của KTTT, đòi hỏi sự thay đổi tư duy, nhận thức, không phải của riêng người nông dân, cán bộ địa phương mà tất cả các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo. Theo đó, các thành viên Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển KTTT tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của KTTT, HTX đối với nền kinh tế, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị hiểu rõ Luật HTX, bản chất mô hình HTX kiểu mới, sự khác nhau giữa HTX kiểu cũ và kiểu mới; lợi ích của việc tham gia HTX trong phát triển nông nghiệp.

z5575549395980_875f6759607292d967e8c745a6ed5a7a.jpg
Đa số các HTX khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách về nguồn vốn.

Tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá, mở rộng thị trường cho trái thanh long và các nông sản khác. Tổ chức các hoạt động nâng cao hiệu quả của các HTX kiểu mới, làm nòng cốt kết nối, liên kết các HTX khác. Hình thành mô hình HTX liên xã, liên huyện, liên vùng. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh tập trung nguồn lực để hỗ trợ có trọng điểm đối với những HTX có ảnh hưởng lớn trong từng lĩnh vực. Vận động các hộ cá thể trên địa bàn nông thôn tham gia thành viên HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tại các vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Minh Vân