Chống khai thác IUU: Trước đợt “sát hạch” quan trọng cuối cùng Bài 3: Gỡ “thẻ vàng” phải dựa trên 3 trụ cột
Kinh tế - Ngày đăng : 10:38, 26/08/2024
Tạo “ranh giới” an toàn
Không chỉ quyết liệt cấm vượt ranh giới biển Việt Nam, các sở, ngành trong tỉnh còn tìm cách tạo “ranh giới” biển mang lại hiệu quả cao, thông qua mô hình đồng quản lý tại 3 xã ven biển của Hàm Thuận Nam. Vụ cá nam năm ngoái, ngư dân ở khắp các làng chài 3 xã Tân Thuận, Tân Thành và Thuận Quý không giấu được niềm vui khi tôm, cá tìm về trú ngụ nhiều đến nỗi ai cũng nghĩ mình “trúng số”. Trung bình mỗi thúng kiếm tầm 3 - 5 triệu đồng/ngày, có thúng được 9 - 10 triệu đồng, thu nhập gấp 10 lần so với trước đây. Ngoài mực, cá thông thường, nhiều loài “biệt tăm” gần chục năm nay mới có lại như cá ngân, vẹm, dòm nâu, đặc biệt tôm hùm, tôm bạc có giá trị kinh tế cao đã xuất hiện trở lại… Đây là sự nỗ lực rất lớn của Hội Nghề cá tỉnh khi năm 2015 đã xây dựng “Mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông tại xã Thuận Quý”, sau đó nhân rộng cho 2 xã ven biển còn lại.
Có lẽ huyện Hàm Thuận Nam là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện được việc công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo điều 10, Luật Thủy sản năm 2017. 3 Hội cộng đồng ngư dân chỉ từ vài thành viên ban đầu, nay đã tăng theo cấp số nhân với 288 thành viên tham gia, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản với diện tích vùng biển là 43,4 km. Đặc biệt, tại xã Tân Thuận đã xây dựng và vận hành được mô hình “Đội giám sát cộng đồng IUU” hoạt động khá hiệu quả. Ông Lê Xuân Huỳnh – Đội trưởng đội giám sát IUU không giấu được niềm vui: “Phải nhìn nhận từ sau khi mô hình đưa vào triển khai, làng biển nơi đây hồi sinh mạnh mẽ, nhiều ngư dân bỏ biển đã trở lại với nghề, ai cũng phấn khởi sau những chuyến biển đầy ắp cá, tôm. Minh chứng rõ nhất là từ 50 thành viên ban đầu, Hội Cộng đồng ngư dân Tân Thuận đã thu hút gần 200 thành viên tham gia đánh bắt trong vùng một cách tự nguyện, tự đóng góp kinh phí để làm chà, rạn nhân tạo. Trong quá trình hoạt động, Đội Giám sát IUU với 53 thành viên đã cung cấp cho các ngành chức năng hàng nghìn nguồn tin có giá trị, phối hợp với biên phòng, kiểm ngư xử lý và ngăn chặn kịp thời hàng trăm vụ đánh bắt bất hợp pháp vào vùng biển được giao quyền quản lý”.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ: “Hoạt động IUU được coi là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển. Nhờ những mô hình trên, các hành vi đánh bắt IUU được hạn chế, giảm dần theo thời gian, tạo điều kiện cho các hệ sinh thái và môi trường biển, nguồn lợi thủy sản có cơ hội sinh sôi, hồi sinh. Đặc biệt, đã khôi phục bãi sinh sản của nguồn lợi sò lông tại Thuận Quý. Mặc dù các hội cộng đồng nơi đây đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện, nhưng sự đồng lòng của họ góp phần làm vùng biển gia tăng nguồn lợi thủy sản so với thời điểm trước khi thực hiện mô hình, kéo theo sinh kế của nhiều người dân từ hoạt động đánh bắt trong vùng biển đồng quản lý đã khởi sắc, cải thiện hơn”.
Minh chứng rõ nhất là mùa cá nam năm nay 3 làng chài ven biển nơi Kê Gà cũng nhộn nhịp không kém, với hàng trăm ghe thúng toàn huyện và các huyện lân cận tập trung về đây, bởi câu chuyện Hàm Thuận Nam được mùa cá tôm từ vụ trước đã lan truyền khắp tỉnh. Đó là thành quả, là niềm tự hào sau bao năm những ngư dân nơi đây nhọc nhằn ra sức bảo vệ, giữ gìn nguồn lợi cho con cháu đời sau.
Nuôi biển và giảm cường lực khai thác
Theo ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, bên cạnh thực hiện và nhân rộng mô hình đồng quản lý, Bình Thuận đã có kế hoạch khuyến khích ngư dân tham gia những mô hình hay trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, giảm dần số lượng tàu cá ven bờ, chuyển đổi nghề, mở ra sinh kế mới cho ngư dân như phát triển nuôi biển, triển khai các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái… Có như vậy, đời sống của ngư dân sẽ ổn định và nghề cá sẽ phát triển theo 1 hướng mới an toàn và bền vững hơn.
Những năm gần đây, đội tàu cá của tỉnh đã có bước tiến đáng kể, ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền lớn với trang thiết bị khá đồng bộ, hiện đại. Nếu năm 2017 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là 1.718 chiếc, thì đến cuối năm 2023 là 1.957 chiếc, tăng 239 chiếc. Sự phát triển của nhóm tàu công suất lớn phản ánh chuyển dịch đúng hướng về cơ cấu lực lượng khai thác hải sản của tỉnh những năm qua. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện quyết liệt, không phát triển tàu thuyền nhỏ khai thác vùng bờ; không cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá hành nghề lưới kéo và không cấp giấy phép khai thác thủy sản mới cho nghề lưới kéo dưới mọi hình thức. Do đó, số tàu hoạt động nghề lưới kéo (giã cào) từ 1.133 chiếc năm 2017, nay chỉ còn 731 chiếc, giảm 402 chiếc.
Song song đó, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, Bình Thuận đang thực hiện đề án nuôi biển khi địa phương có tiềm năng nuôi biển rất lớn. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản lượng thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016 - 2023 đạt 2,27%. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác vẫn chiếm tỷ trọng chính, tuy nhiên những năm gần đây tăng trưởng chậm hơn so với nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi biển của tỉnh đạt 552 tấn, tăng 211 tấn so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2023 đạt hơn 7%, phát triển vượt bậc. Việc tăng cường sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, có xu hướng thay thế và giảm áp lực cho khai thác thủy sản (KTTS). “Xuất phát từ những yêu cầu thực tế, việc thực hiện “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là rất cần thiết. Ngành thủy sản của tỉnh sẽ giảm mạnh phương tiện KTTS vùng ven bờ, góp phần giải quyết bài toán chuyển đổi nghề từ KTTS ven bờ sang nuôi trồng trên biển mang tính bền vững hơn. Nuôi trồng trên biển cũng chính là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh thái đang ngày bị cạn kiệt bởi khai thác quá mức của con người”, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án nuôi biển còn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đặt mục tiêu Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, chuyển từ nuôi trồng hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá nuôi trồng hải sản trên biển.
Tin vui nhất đối với tỉnh, là Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trong tương lai không xa, “đảo ngọc” sẽ trở thành trung tâm khai khác của cả vùng và cả nước, tập trung vào khai thác hải sản xa bờ, bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Là trung tâm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố, tình huống khẩn cấp, cứu nạn trên biển nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Việc thực hiện đề án này sẽ góp phần quan trọng vào nhiệm vụ kiểm soát, phòng, chống khai thác khai thác IUU, chấm dứt tình trạng tiêu thụ hải sản tại các bến tạm trên đảo, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác…
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30 - CT/TU, ngày 16/1/2018, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh: UBND cấp tỉnh, cấp huyện cần quan tâm bố trí ngân sách và huy động nguồn lực xã hội đầu tư thực hiện các mô hình, đề án hiệu quả trong tái tạo, phát triển, duy trì bền vững nguồn lợi thủy sản. Xử lý nghiêm các hành vi khai thác, đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tạo điều kiện tái cơ cấu đội tàu xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân.