Tánh Linh: Nâng cao chất lượng giáo dục từ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:12, 28/08/2024
Những kết quả đạt được
Đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện Tánh Linh đã có 41/62 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 66,1%. Cụ thể, bậc mầm non có 8/16 trường (đạt tỷ lệ 50%), trong đó có 7 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 1 trường đạt chuẩn mức độ 2. Bậc tiểu học, có 20/28 trường (đạt tỷ lệ 75%), trong đó 19 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 1 trường đạt chuẩn mức độ 2. Bậc THCS, có 13/18 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt tỷ lệ 72,2%). Theo Nghị quyết của HĐND huyện, trong năm 2024 phấn đấu đạt thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia gồm: Trường TH Gia An 2 đã được UBND tỉnh có quyết định công nhận trường đạt chuẩn và Trường THCS Đồng Kho đã hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn trong năm 2024. Như vậy, đến cuối năm 2024 trên địa bàn huyện Tánh Linh sẽ có 43/62 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 69,35%. Đồng thời, phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2025 có thêm Trường TH Đức Phú 1 đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn huyện là 44/62 trường, tỷ lệ 71%, đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát Thường trực HĐND huyện Tánh Linh, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã làm thay đổi diện mạo trường học, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Điều này được thể hiện qua kết quả, hầu hết các trường chuẩn quốc gia có bộ máy tổ chức hoàn thiện, đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hội đồng nhà trường, Ban Giám hiệu, Chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể, các tổ chuyên môn cơ bản hoạt động nề nếp, có hiệu quả, chất lượng dạy và học được nâng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu tương đối đảm bảo, tâm huyết với nghề nghiệp. Tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn cao. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng kịp thời, đúng quy định. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà được nâng lên qua từng năm. Các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển khá mạnh và thường xuyên. Việc tổ chức dạy và học các môn năng khiếu, giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt ngoại khóa… có nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, chủ đề, đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các trường đạt chuẩn cơ bản có cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo thiết bị dạy học theo quy định...
Đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đó là, khi thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia thì tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất gần như các trường không đảm bảo chuẩn. Hiện cơ sở vật chất nhiều trường xuống cấp, diện tích phòng học không đảo theo tỷ số học sinh, còn thiếu phòng chức năng; sân chơi, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, phòng bộ môn, đồ dùng, thiết bị dạy học, không đủ máy vi tính để dạy, nếu có thì xuống cấp, cấu hình yếu, hư hỏng không đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Một số trường cơ cấu giáo viên thừa, thiếu cục bộ giữa các bộ môn... công tác huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng trường chuẩn quốc gia còn hạn chế.
Trước những khó khăn, hạn chế trên, Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND huyện Tánh Linh đề nghị UBND huyện chỉ đạo cho các ngành chức năng của huyện, Chủ tịch UBND các xã thị trấn tiến hành rà soát cơ sở vật chất của các trường để xem xét bố trí vốn hoặc xin vốn ngân sách cấp trên đầu tư trong năm 2024 và năm 2025, chuẩn bị cho lộ trình đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 về cơ sở vật chất tối thiểu. Hàng năm, UBND huyện ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương nào có xây dựng đề án, kế hoạch chi tiết và lộ trình đầu tư các danh mục, hạng mục, thiết bị phục vụ cho ngành giáo dục của địa phương đó. Quan tâm bố trí vốn đầu tư các danh mục công trình, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học trong năm học 2024 – 2025. Cùng với đó, xem xét chỉ đạo việc thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường hiện nay, đảm bảo trong năm học mới giải quyết cơ bản tình trạng này ở các trường...