Những ghi nhận trong công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở Bình Thuận

Pháp luật - Ngày đăng : 08:51, 21/03/2016

Những kết quả bước đầu

BT- Bình Thuận được đánh giá là địa phương triển khai, thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức làm điểm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tại hai địa bàn trọng điểm về ma túy là thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong), phường Phước Hội (thị xã La Gi). Tại 2 địa phương trên đã  thực hiện việc lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo quy trình, có sự quản lý, giám sát, tư vấn của các thành viên Tổ công tác cai nghiện cho 19 người (tại gia đình 10 người, tại cộng đồng 9 người), từ đó rút kinh nghiệm triển khai trong toàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 120 người, trong đó cai tự nguyện tại gia đình là 75 người. Trong 120 người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thì đã có 24 người được hỗ trợ vay vốn từ 0,5 triệu đồng đến 20 triệu đồng để đầu tư cùng gia đình làm ăn như: mở tiệm hớt tóc, mua xe tải, mở tiệm tạp hóa, quán giải khát, 39 người được hỗ trợ học nghề, 36 người được tạo việc làm như đánh bắt hải sản, bốc xếp, sửa xe hon đa, bảo vệ…

Hiện toàn tỉnh có 75/90 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy thành lập Tổ công tác cai nghiện, đạt 83,33% kế hoạch. Tại các xã, phường, thị trấn, Tổ công tác cai nghiện đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội vận động người nghiện và gia đình họ khai báo, đăng ký các hình thức cai nghiện; phối hợp triển khai hoạt động các mô hình về phòng, chống ma túy như: “Tổ phụ nữ không có chồng con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật”, “Tổ phụ nữ tuyên truyền tác hại của ma túy”, “Tổ phụ nữ vận động chồng, con, người thân cai nghiện và quản lý sau cai”; “Tổ phụ nữ tuyên truyền phòng, chống ma túy vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; “Chi hội Cựu chiến binh xung kích bảo vệ an ninh trật tự”; “Đội thanh niên tình nguyện”, “Câu lạc bộ thắp sáng niềm tin”; Câu lạc bộ “Thanh niên hoàn lương sống đẹp, sống có ích”; mô hình “Thôn, xóm không có tệ nạn ma túy”; “Dòng họ phòng, chống tệ nạn xã hội”…đã tham gia tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự xã hội và phòng, chống các tệ nạn xã hội tại địa bàn dân cư…

Việc quản lý, giám sát người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được Tổ công tác cai nghiện tập trung, kết hợp đồng bộ như: Quản lý, giúp đỡ người cai nghiện thực hiện kế hoạch cai nghiện cá nhân; giám sát thực hiện thời gian biểu hàng ngày; hướng dẫn người nghiện ma túy tham gia học nghề, lao động sản xuất, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương tổ chức; quản lý việc chấp hành các chế độ về cư trú, đi lại, thông tin, báo cáo; định kỳ hàng quý hoặc đột xuất tổ chức xét nghiệm nước tiểu để xác định hành vi sử dụng ma túy của người cai nghiện. 

Những khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế trong công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là: Cơ sở vật chất, phương tiện phòng, điều trị, cắt cơn, giải độc… ở cấp xã chưa được đầu tư theo quy định do ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn. Theo quy định việc điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phải do y, bác sĩ được đào tạo, tập huấn về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ y, bác sĩ ở cấp xã chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ, xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy và phác đồ điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành.

 Người nghiện ma túy đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do không làm chủ bản thân, bị bạn nghiện rủ rê, lôi kéo; một số người không có việc làm ổn định và phần lớn là không chí thú làm ăn…nên tái nghiện lại ngay. Gia đình người nghiện không hợp tác, không muốn cán bộ của địa phương đến nhà mình nên việc tư vấn, hướng dẫn gia đình quản lý, chăm sóc, động viên, khích lệ để họ an tâm điều trị gặp khó khăn.

Việc điều trị bằng thuốc thay thế methadone theo quy định phải uống thường xuyên hàng ngày, trong khi đó người nghiện đi làm ăn xa, đi biển hoặc nằm viện chữa bệnh phải bỏ điều trị nên phải thực hiện điều trị lại từ đầu nên gây tốn kém, lãng phí và khó khăn cho người tham gia điều trị.

Nếu những khó khăn, hạn chế nêu trên được các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, người nghiện và gia đình… kịp thời khắc phục, tháo gỡ thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

HuỲnh Lê