Bình Thuận tham dự Tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 08:38, 28/08/2024
PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQG – TP.Hồ Chí Minh chủ trì buổi toạ đàm. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế; lãnh đạo các tỉnh/thành: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Long An. Tỉnh Bình Thuận, tham dự buổi toạ đàm có ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG – TP.Hồ Chí Minh khẳng định: ĐHQG – TP.Hồ Chí Minh luôn xem việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng để gia tăng nguồn lực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển. Theo đó, trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, ĐHQG-TP.Hồ Chí Minh xác định hợp tác với doanh nghiệp là đòn bẩy để cải tiến chương trình đáp ứng nhu cầu thực tiễn, là điểm tựa để các nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển. Giám đốc ĐHQG – TP.Hồ Chí Minh cũng thông tin, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, ĐHQG-TP.Hồ Chí Minh xác định 3 mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu gồm: Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học và Trí tuệ nhân tạo.
Tại buổi tọa đàm, Tổng lãnh sự quán 3 nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã có những trao đổi định hướng về kế hoạch đầu tư của các quốc gia này tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao; về nhu cầu, chất lượng, thách thức, giải pháp của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; về các chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực... Các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel, Synopsys, Kaopiz, Realtech… cũng đã trình bày về thực trạng nguồn nhân lực công nghệ cao, các giải pháp nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, các chính sách hỗ trợ thực tập, học bổng cho sinh viên.
Tham gia thảo luận tại toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Minh cho biết: Bình Thuận xác định ưu tiên phát triển 3 trụ cột kinh tế là công nghiệp (tập trung công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo), nông nghiệp (gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị) và du lịch (phát triển chuyên nghiệp, bền vững, an toàn). Vì vậy, Bình Thuận luôn chú trọng vào việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là những người làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, được khẳng định giỏi chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị qua thực tiễn công việc.
Trong thời gian đến, tỉnh Bình Thuận đã đưa ra các nhóm giải pháp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển về công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Trong đó, việc triển khai, hoàn thiện quy hoạch tỉnh, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao được coi là tiền đề thu hút, bố trí nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh nhất là các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nhanh chóng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách để làm cơ sở pháp lý thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển trong khu vực công; cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện các mục tiêu thu hút, khuyến khích, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và du lịch… Đặc biệt, tổ chức thực hiện giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu “chất xám” và lãng phí “chất xám” hiện có; tạo nguồn, bồi dưỡng nhân tài để đào tạo nhân lực chất lượng cao từ học sinh, sinh viên; xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao thông qua việc tuyển dụng, thi tuyển lãnh đạo, mời gọi chuyên gia, thuê giám đốc điều hành.
Được biết, đây là tọa đàm thường niên của ĐHQG - TP. Hồ Chí Minh nhằm mục đích để doanh nghiệp và trường đại học gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về vấn đề nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để các trường đại học được lắng nghe những đánh giá, phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng và mức độ đáp ứng của nguồn nhân lực được đào tạo so với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; lắng nghe xu hướng tuyển dụng và các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp trong tương lai gần; làm cơ sở để các trường đại học cải tiến, mở mới các chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp.