Cảnh báo tình trạng hóc dị vật

Đời sống - Ngày đăng : 08:24, 29/08/2024

Không những trẻ em mà ngay cả người lớn cũng bị hóc, sặc dị vật đe dọa tính mạng. Thời gian qua, bệnh viện trong tỉnh tiếp nhận nhiều trường hợp như thế. Điều này gióng lên sự cảnh báo với các cha mẹ, người chăm trẻ...
hoc-nap-chai-thuoc.jpg
Bác sĩ gắp nắp chai thuốc mà trẻ 9 tháng tuổi nuốt.

Trẻ nhỏ, người già đều bị hóc dị vật

Trong tháng 8/2024, một bé trai 9 tháng tuổi ở xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) nhặt nắp chai thuốc và nuốt khi mẹ đang bôi thuốc cho bé. Người thân phát hiện, bé khó thở được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Các y bác sĩ của Khoa Tai - Mũi - Họng kịp cấp cứu bé thành công. Trước đó, một trường hợp khác ở Phan Thiết, cha mẹ đi làm để 2 chị em ở nhà chăm nhau. Bé 7 tuổi chăm bé 3 tuổi, em bắt chước chị mở tủ lạnh lấy nho ăn. Sau khi nuốt trái nho, bé nhỏ trợn mắt. Bé lớn kêu cứu, được hàng xóm đưa đi bệnh viện. Bé nhỏ nhập viện trong tình trạng tím tái, nghẹn đường thở. Các y bác sĩ sơ cứu, chẩn đoán hóc dị vật đường thở, phải chuyển tuyến trên và bé đã được cứu sống.

Bác sĩ chuyên khoa II Mai Xuân Phi, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết: Các y bác sĩ thường tiếp nhận những bé nhỏ chơi tự nhét hoặc bị bạn nhét pin điện tử (nhỏ bằng nút áo) trong mũi, tai. Những trường hợp này, người nhà không phát hiện sớm đưa bé đến cơ sở y tế, thì nguy cơ pin điện tử ăn mòn niêm mạc, cấu trúc tai, mũi của trẻ làm thủng vách ngăn… di chứng viêm xoang về sau. Thậm chí, người lớn cũng mắc dị vật. Khi ngủ, quên tháo răng giả, không may nuốt hàm răng giả vào thực quản gây đau, nghẹn. Có người ăn mực nhồi, nuốt tăm ghim mực nhồi; có người thì hóc xương gà, xương heo...

Được biết, mỗi tháng Khoa Tai - Mũi - Họng tiếp nhận 5 - 7 ca dị vật tai, mũi; hơn 10 ca do hóc xương. Các trường hợp hóc xương xảy ra khá phổ biến ở mọi lứa tuổi. Những trường hợp hóc dị vật, không phát hiện sớm, kịp thời cứu chữa thì sẽ để lại di chứng về sau, hoặc tử vong là chuyện không tránh khỏi.

hoc-xuong-ga.jpg
Bác sĩ gắp xương gà mà một người lớn bị hóc.

Tập huấn cách sơ cứu hóc dị vật

Theo Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận), hóc dị vật tai mũi, hóc dị vật thực quản lấy qua nội soi, hoặc gây mê tùy thuộc từng trường hợp cụ thể. Trẻ bị hóc dị vật đường thở nguy cơ tử vong cao, nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách. Trường hợp hóc dị vật đường thở thì phải chuyển lên tuyến trên; thường xảy ra trẻ 1-3 tuổi do trẻ thường đưa đồ vật vào miệng, ở nhóm trẻ lớn từ 7 - 10 tuổi do những bất cẩn trong sinh hoạt, học tập, vui chơi.

pin-nhet-vao-mui.jpg
Bác sĩ gắp pin do trẻ nhét vào mũi

Để phòng tránh tai nạn hóc dị vật ở trẻ, bác sĩ Phi khuyến cáo cha mẹ, người chăm sóc trẻ (giáo viên mầm non, bảo mẫu…) hàng ngày kiểm soát đồ ăn (trái nho, nhãn, vải, kẹo viên…), đồ chơi (pin điện tử, mảnh lắp ráp logo, viên bi…) xung quanh trẻ, thường xuyên giám sát, giữ trẻ trông tầm mắt. Không để trẻ cầm chơi, nhét viên pin vào mũi, ngậm, nuốt viên pin cúc hay các thiết bị điện tử có sử dụng pin. Khi phát hiện nhét dị vật pin vào mũi hay nuốt viên pin, người nhà nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí sớm, tránh các di chứng về sau.

Bác sĩ Phi cho biết thêm: Khi trẻ bị hóc dị vật, ngoài việc sơ cứu kịp thời, đúng cách, trẻ được đưa ngay đến bệnh viện để hỗ trợ nội soi mau chóng lấy dị vật ra đúng cách. Tuy nhiên, có những trạm y tế không thực hiện phương pháp Heimlich, sơ cứu trẻ hóc dị vật trước khi chuyển viện. Điều này rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan sớm tổ chức tập huấn phương pháp Heimlich cho nhân viên y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; cho giáo viên mầm non, bảo mẫu, người chăm trẻ...

TRANG MINH