Bảo vệ rừng – sự sống còn. Bài 4

Xã hội - Ngày đăng : 08:28, 29/08/2024

Bài 4: Làm giàu từ rừng

Ngày nay ở nhiều nơi con người đã không bảo vệ tốt rừng, vẫn chặt phá vô tội vạ khiến nguồn tài nguyên rừng chậm được khôi phục và dần bị suy kiệt, nhiều nơi rừng không còn có thể tái sinh, đất trở thành đồi núi hoang, dẫn đến biến đổi khí hậu. Mưa bão, hạn hán, ngập lụt… là những hậu quả do thiên tai gây ra đã và đang diễn biến ngày càng khó lường, kéo theo sự mất mát về con người, tài sản không thể đong đếm của nhân dân.

Trong khi, nếu bảo vệ tốt, rừng không chỉ là những giá trị riêng lẻ mà tích hợp đa tầng giá trị, khi đó cộng đồng người giữ rừng sẽ có không gian việc làm, sinh kế, thu nhập tăng thêm.

Giữ rừng đi đôi với phát triển rừng

“… Quan trọng nhất vẫn là cách nhìn nhận, cách tiếp cận, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng phải có phương án tạo ra nhiều việc làm, tạo sinh kế lâu dài dưới tán rừng nhằm từng bước cải thiện thu nhập cho người dân để phát triển bền vững” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh như vậy tại một tọa đàm vào tháng 7/2023. Theo đó, hiện nay nước ta đẩy mạnh phát triển đa dụng rừng, hưởng lợi từ rừng.

f705dc6f48d8ec86b5c9.jpg
Một góc rừng mùa khô tại Bình Thuận nhìn từ trên cao.

Cuối năm 2023, Việt Nam đã chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về hơn 1.250 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước, bao gồm các vấn đề về khung pháp luật, năng lực và cơ sở hạ tầng thương mại tín chỉ carbon. Thị trường carbon phát triển mở ra cơ hội tạo nguồn lực tài chính bổ sung cho lâm nghiệp thông qua các cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon.

5c39effd55b7f2e9aba6.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh (ngồi giữa) cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trong một chuyến thăm, nắm bắt tình hình quản lý rừng tại BQL RPH Lê Hồng Phong (thời điểm giữ vai trò là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy).
ddc4458fffc5589b01d4.jpg
Lãnh đạo tỉnh quan tâm đến đời sống của lực lượng bảo vệ rừng.

Những hướng đi này, ngay tại Bình Thuận những năm gần đây đã và đang được phát huy hiệu quả. Với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn (gần 297.000 ha), thời gian qua, tỉnh đã triển khai các chương trình, dự án bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng, phát triển tín chỉ carbon. Từ đó đã đạt được một số kết quả nhất định thông qua Chương trình UN-REDD giai đoạn II - Chương trình hợp tác Liên Hợp Quốc về phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) ở các nước phát triển.

57a96861fed65a8803c7(1).jpg
Lực lượng bảo vệ rừng tại Hàm Thuận Nam.

Về phía UBND tỉnh, theo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 29/NQ -CP ngày 8/3/2024 của Chính phủ, tỉnh nhấn mạnh đến phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng như du lịch sinh thái, phát triển lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh như dược liệu, thực phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon và phát triển nhanh thị trường tín chỉ carbon rừng.

z5333670351464_6baa86c08a0b8e1566f13e83e902764a.jpg
Bình Thuận tổ chức hội thảo về "tín chỉ carbon rừng- cơ hội và thách thức" trong năm 2024.

Đồng thời khẳng định, việc tham gia mua bán tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Góp phần nâng cao đời sống, kinh tế cho các hộ đồng bào dân tộc nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung, chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung xây dưng Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ và chế biến bền vững trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu toàn tỉnh trồng hơn 2 triệu cây xanh, gồm trồng mới rừng sản xuất 133.000 cây và trồng cây xanh phân tán 1,92 triệu cây.

11471440e7fe43a01aef.jpg
Ông Trương Đình Sỹ (ngồi)- Phó Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh trực tiếp đánh giá mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng.

Ngoài ra, theo định hướng phát triển khai thác các loài cây dược liệu bản địa, từ năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng đối với các loài cây có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ. Đó là mô hình nấm lim xanh, sâm bố chính, khoai mài, trà hoa vàng dưới tán rừng tự nhiên thuộc lâm phận các BQLRPH Phan Điền, Sông Móng - Ca Pét, Đức Linh và BQL Khu BTTN Tà Cú. Qua đó, góp phần cơ cấu lại sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Bình Thuận…

75605a82-6f73-4552-b5d5-81a728efeee1.jpeg
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiêu Hồng Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Thanh Bình và một số sở ngành, Đoàn thanh niên ký kết tại chương trình “Triệu cây xanh - vì một Việt Nam xanh”.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Cần khẳng định dứt khoát, yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến khí hậu đó là rừng, quyết định sự sống còn của môi trường, sinh thái. Vai trò của rừng đối với công tác bảo vệ môi trường đang trở thành chủ đề thời sự và cần sự chung tay của cả nhân loại.

Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, dự thảo nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Đồng thời đề nghị các địa phương cần quan tâm, chăm lo hơn nữa cho lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào tuần tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến của rừng để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, giảm áp lực cho lực lượng chuyên trách…

6d16305f-3f06-4b27-924f-bacdd18fb7d4.jpeg
Lãnh đạo HĐND tỉnh tham cùng các lực lượng tham gia hoạt động trồng rừng.

Thời điểm loạt bài viết này lên trang, cũng là những ngày tỉnh miền núi Cao Bằng đang phải hứng chịu cơn lũ lịch sử kể từ sau năm 1986. Truyền thông đưa tin những hình ảnh dòng nước sông đang cuồn cuộn chảy xiết, gây ngập, hư hại biết bao tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân. Tại Bình Thuận, một tỉnh khô hạn nhất nhì cả nước cũng đang chịu thiệt hại từ những cơn mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy gây thiệt hại về người, tài sản của dân, nhất là vào mùa mưa. Nhiều người đặt câu hỏi: Thiên tai hay nhân tai?

Rõ ràng, khi các quốc gia đều phấn đấu phát triển kinh tế nhanh, đã đặt áp lực lên khai thác tài nguyên thiên nhiên môi trường, sẽ làm thay đổi quy luật tự nhiên... Hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra cho hành tinh ngày càng rõ rệt, nổi rõ là hạn hán, khan hiếm nước, cháy rừng nghiêm trọng, nước biển dâng, lũ lụt và suy giảm đa dạng sinh học... Nguồn khí thải gây biến đổi khí hậu đến từ khắp mọi nơi trên thế giới và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Do đó, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần sự chung tay của tất cả nhân loại. Điều này đồng nghĩa với hành động giữ rừng là sự sống còn để bảo vệ “lá phổi xanh” của trái đất, là nguồn sống của con người. Với Việt Nam, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã, đang và sẽ khắc phục khó khăn, hạn chế, không ngừng nỗ lực có các giải pháp để cải thiện thu nhập của lực lượng giữ rừng, tạo sinh kế, làm giàu từ rừng để bảo vệ rừng tốt nhất. Đảng ta xác định: Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bảo vệ rừng - Giữ rừng - Đồng thời với phát triển rừng là nhiệm vụ cao cả của mọi công dân, là sự sống còn của mọi người, mọi nhà, của đất nước và dân tộc !

Được biết, tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Bài 1: Sống chết giữ lấy rừng

Bài 2: Tháo nút thắt, bứt phá bảo vệ rừng

Bài 3: Quyết liệt các giải pháp

Kiều Hằng