“Chuyện nhỏ” nhưng có lợi cho dân lâu dài

Xã hội - Ngày đăng : 15:36, 29/08/2024

BTO- Từ việc lo nguồn nước ngầm trong khu dân cư bị ô nhiễm bởi việc chôn cất người qua đời lộn xộn, cho đến phun thuốc diệt cỏ xen trong khu dân cư gây ô nhiễm không khí, nguồn đất, thảm thực vật…

 Đảng bộ, chính quyền xã Đức Phú đã vận động toàn dân chung tay làm nghĩa trang phục vụ mai táng người dân theo quy hoạch. Đưa vào hương ước thôn văn hóa nói không với thuốc diệt cỏ ( 2,4 D)… Với "chuyện nhỏ" này, Đức Phú đã giúp dân hàng năm tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. Đồng thời tạo môi trường trong lành trong khu dân cư tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...

z5778696711062_707e1a91baa668a1565c4e82fa3749a5.jpg
Trụ sở UBND xã Đức Phú.

Tử tế từ chuyện nghĩa trang…

z5778703648930_46bca22e9e3c8d7251f92c83541fbf66.jpg
Đường vào nghĩa trang Đức Phú.
zalo-22-.jpg
"nhà mới" của người mất ở Đức Phú

Tôi về Đức Phú, xã xa nhất của huyện Tánh Linh, cách thành phố Phan Thiết hơn 150 km. Đức Phú là xã miền núi được công nhận xã nông thôn mới năm 2016, xã giáp với xã Mé Pu ( Đức Linh) và xã Đoàn Kết ( huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).

Giữa vụ gặt lúa hè thu, xe chở lúa tấp nập từ những cánh đồng về thôn xóm tạo nên cảnh vùng quê thơ mộng nhưng sung túc, trù phú. Đức Phú là một trong những xã của tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo từ kinh tế đến an sinh xã hội, bảo vệ môi trường ví như hợp đồng với công ty của Nhật Bản sản xuất lúa hữu cơ, mô hình làm sầu riêng xuất khẩu, phong trào tương trợ giúp nhau làm kinh tế của các hội đoàn thể, ánh sáng an ninh nông thôn…

Trước đây, Đức Phú có 2 điểm chôn cất người mất gần khu dân cư ở thôn 1 và 4, tình trạng mộ bia tự phát không theo quy cách nên rất mất mỹ quan, mùi “tử khí” theo gió ùa vào nhà dân. Đặc biệt, do nhiều người dân Đức Phú còn sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt, trong khi khu chôn người mất lại nằm đầu nguồn nước ( không chỉ Đức Phú mà còn có xã Nghị Đức và Mé Pu) nên việc ô nhiễm nguồn nước ngầm làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong xã và vùng lân cận.

Trước thực trạng trên, Đảng bộ xã Đức Phú đã có Nghị quyết về làm nghĩa trang, xã đã lấy ý kiến người dân và đưa vào quy hoạch, xây dựng nghĩa trang ở thôn 2, xa khu dân cư. Nghĩa trang có diện tích hơn 36.000 m2, chiều dài 208 m, rộng 175 m. Giữa nghĩa trang có đường chính rộng khoảng 8 m phục vụ cho xe đưa tang ra vào mai táng. Khuôn viên nghĩa trang quy hoạch theo lô bàn cờ có đường ngang, dọc chia làm 2 khu vực, bên trái nghĩa trang ( tính từ trong ra) dành chôn cất người qua đời thôn 1, 2; bên phải thôn 3, 4 và quy hoạch khu riêng chôn cất trường hợp nhỏ tuổi từ 17 tuổi trở xuống.

Tôi đến nghĩa trang vào cuối tháng 8 theo sự giới thiệu của Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh Giáp Hà Bắc: “Đức Phú đang nỗ lực để đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã có nhiều cách làm sáng tạo, hay, bền vững trong đó có việc làm nghĩa trang”...

Nghĩa trang được quy hoạch sạch đẹp nhưng tôi thắc mắc không biết có lợi về kinh tế cho dân không? Vừa lúc ông Nguyễn Văn Biền ở thôn 2 đang đi thăm mộ vợ, lân la trò chuyện, ông tâm sự: “Từ khi có nghĩa trang dân hưởng lợi được rất nhiều mặt, về văn hóa mọi người mất được chôn cất bình đẳng như nhau trên cùng diện tích. Đưa đám tang không rãi giấy vàng bạc vừa tiết kiệm chi phí vừa không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt Ban mai táng của xã công khai chuyện mua hòm cho dân.

Trước đây đặt hòm của dịch vụ mai táng từ 10 triệu đồng/cái trở lên nhưng cùng chủng loại mà Ban mai táng từ thiện đặt giá gốc chỉ 2,2 triệu đồng/cái. Nghe ông Biền tâm sự tôi nhớ sực đến việc mấy hôm trước khi đến Đức Phú, Bí thư xã Đức Phú Hồ Thanh Tuyển có kể: “Dân Đức Phú khi “nằm xuống” thì ai cũng giống ai bởi mộ phần đã có quy hoạch, người nghèo, hộ khó khăn thì vẫn được xã hỗ trợ 50% giá đất, tặng hòm để chôn cất tử tế… Ban mai táng từ thiện xã Đức Phú, do UBND xã thành lập với nguồn huy động từ nhân dân và mạnh thường quân với tổng kinh phí hiện còn hơn 500 triệu đồng. Với phương châm phục vụ nhân dân, không thu bất cứ khoản phí nào nên trước đây 1 đám tang người dân tốn từ 20 – 60 triệu đồng thuê dịch vụ nhưng hiện nay Ban mai táng làm chỉ còn từ 3 -10 triệu đồng. Một năm ở xã Đức Phú có từ 35 – 40 người mất nên làm lợi cho dân tương ứng từ 300 – 500 triệu đồng…

…Đến lo cho tương lai con em mai sau

zalo_18071854042922-1-.jpg
Đường vào thôn 3 xã Đức Phú khá thông thoáng

Xã Đức Phú hiện có 5 thôn, trong đó có 1 thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có 1.995 hộ/ 7.769 khẩu. Đa số người dân làm nông, so với các xã khác trong khu vực xã miền núi Đức Phú không có nhiều lợi thế do nằm cách xa trung tâm huyện, bù lại dân Đức Phú “khá nhạy” trong chuyển đổi cây trồng theo định hướng của huyện, tỉnh.

Ví như làm lúa có cánh đồng mẫu làm lúa chất lượng cao, cây trồng có cao su, điều, tiêu, cà phê, sầu riêng… Nhờ vậy đời sống người dân có thu nhập ổn định và ngày càng nâng lên. Tuy vậy, trong quá trình chăm sóc cây trồng một số người dân còn lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, nhất là thuốc khai hoang gây ảnh hưởng chất lượng nông sản khi xuất khẩu và gây ảnh hưởng sức khỏe cho cộng đồng…

Để giúp dân có cuộc sống trong môi trường trong lành, không bị các loại bệnh do “chính mình” gây ra và “rước vào”. Năm 2012, Đảng bộ và chính quyền Đức Phú đã tuyên truyền, vận động người dân không phun xịt các loại thuốc diệt cỏ, thuốc “cháy”, thuốc khai hoang ( 2,4 D)... trong khu vực dân cư.

Qua quá trình thực hiện, thấy được lợi ích của việc không phun, xịt trong khu dân cư, nhất là những hộ làm nông nghiệp dân hiểu rõ về tác động các loại thuốc bảo vệ thực vật. Với các loại thuốc diệt cỏ, thuốc “cháy”, thuốc khai hoang ( 2,4 D)... thuốc khi xịt, phun vào thảm thực vật thì khó có loại cây nào sống nổi. Không chỉ cây bị tận diệt mà hậu quả khi sử dụng thuốc để lại khá nặng nề. Tuy vậy, vẫn còn một số ít người dân vẫn lén lút sử dụng các loại thuốc trên khiến nhiều người bức xúc.

Tại các cuộc họp xóm, thôn nhiều ý kiến của người dân yêu cầu phải có “chế tài” với những người lén lút sử dụng các loại thuốc trên trong khu dân cư. Ông Lê Văn Thiết – Chủ tịch UBND xã Đức Phú cho biết, từ nhu cầu thực tế của dân, xã đã họp dân và thống nhất đưa vào hương ước trong thực hiện thôn, xã văn hóa, hộ gia đình nào vi phạm hương ước nhẹ sẽ bị nhắc nhở trên hệ thống phát thanh xã, nặng sẽ không được công nhận gia đình văn hóa…

zalo_18285020700012-1-.jpg
Cánh đồng lúa chất lượng cao của Đức Phú

Hôm tôi đến thôn 2, gặp anh Nguyễn Hải Lâm – Trưởng thôn 2 xã Đức Phú đang thu hoạch bắp, sẵn trong nhà có nồi bắp luộc anh mời ăn kèm theo câu giới thiệu: “Bắp sạch đó anh, nhà không xịt thuốc trừ sâu, xóm làng không sử dụng thuốc khai hoang nên đất, không khí trong lành sinh ra bắp sạch theo”.

Vừa nói chuyện anh vừa cười vì từ ngày cấm xịt thuốc khai hoang, người dân rất phấn khởi “Ai cũng hiểu việc không xịt phun thuốc khai hoang trong khu dân cư không chỉ giữ sức khỏe cho mình mà còn cho thế hệ tương lai con cháu. Bởi nếu nguồn đất, không khí bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng đến con người rất nhiều. Vì vậy, dân trong xã tự kiểm soát lẫn nhau và động viên tuân thủ nghiêm hương ước.  Có lần 1 hộ mới tới định cư chưa biết nên đem thuốc ra xịt liền bị dân tới nhắc nhở rồi gọi cho thôn, xã đến lập biên bản. Vậy nên nhiều năm nay ở Đức Phú đã có đến 99% hộ dân không phun xịt thuốc có chất 2,4 D trong khu dân cư” -anh Lâm kể thêm….

Chuyện ở xã vùng xa Đức Phú làm từ nghĩa trang đến không phun thuốc trong khu dân cư dù là “chuyện nhỏ” so với nhiều phần việc khác nhưng có ý nghĩa thực tế quan trọng cho người dân khi vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa tạo không gian sống trong lành để hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Đó là một quá trình mà Đảng bộ và hệ thống chính trị xã Đức Phú làm việc có sáng tạo, biết huy động sức dân để thực thi công cuộc đổi mới cho làng xã…

Ghi chép: Trần Thi