Cần đánh giá làm rõ nguyên nhân cây sen giảm tại Bàu Trắng
Bạn đọc - Ngày đăng : 05:05, 30/08/2024
Khẳng định nước thải không hóa chất
Như chúng tôi thông tin về việc Sở VHTT&DL có văn bản phản hồi cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Bình liên quan đến việc lấy ý kiến xin cấp lại giấy phép xả nước sau xử lý của Nhà máy nước Hòa Thắng (thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình), khi giấy phép được cấp năm 2019 sắp hết hạn. Trong văn bản đó có nội dung “…Thực tế qua theo dõi trực quan, Sở VHTT&DL cho biết, trong khoảng từ năm 2021 đến nay, cây sen trong Bàu Bà giảm dần qua từng năm và hiện còn rất ít, nhưng chưa xác định rõ nguyên nhân. Do đó, cần cân nhắc, xem xét và đánh giá lại một cách khoa học, đầy đủ để xác định có hay không có những tác động tiêu cực khi Trạm cấp nước Hòa Thắng đã, đang và sẽ tiếp tục xả nước thải sản xuất sau xử lý ra Bàu Bà, trước khi quyết định cấp lại giấy phép môi trường Dự án Trạm cấp nước Hòa Thắng xả nước thải sản xuất sau xử lý ra Bàu Bà của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận”.
Sau khi báo phản ánh, vụ việc cũng nhận được sự quan tâm của dư luận về sự sụt giảm của cây sen, sẽ ảnh hưởng đến thắng cảnh Bàu Trắng. Đồng thời đơn vị xin cấp phép (Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận) và đơn vị tham mưu cấp giấy phép là Sở Tài nguyên - Môi trường cũng có ý kiến về giấy phép trước đây.
Nói về khả năng ảnh hưởng của việc xả nước sau xử lý có ảnh đến chất lượng nước Bàu Trắng, ông Nguyễn Nhật Khánh, Giám đốc Công ty cấp thoát nước Bình Thuận khẳng định: Nước thải của Trạm cấp nước Hòa Thắng chỉ thu gom từ một nguồn duy nhất là nước rửa lọc trong quá trình sản xuất. Quy trình sản xuất nước sạch của Trạm cấp nước Hòa Thắng không dùng bất kỳ hóa chất nào ngoài khí clo châm vào bể chứa nước sạch để khử trùng. Do đó nước thải từ việc rửa lọc không có clo chỉ chứa cặn lơ lửng, bùn có trong nước nguồn được bơm từ hồ Bàu Trắng, chất lượng nước hồ Bàu Trắng rất tốt nên các chỉ số nước thải luôn nằm trong khoảng cho phép cột A theo QCVN 40:2011/ BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Đồng thời đơn vị cũng thường xuyên lấy mẫu nước thải định kỳ 3 tháng/lần, các mẫu đều đạt theo quy định. Với thành phần và tính chất nước thải như đã nêu trên nên việc xả nước thải vào nguồn tiếp nhận sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại hồ Bàu Trắng. Mặt khác, việc xả thải vào nguồn nước của cơ sở luôn được giám sát chất lượng nguồn nước định kỳ.
“Bàu Trắng là một thắng cảnh, là tài sản thiên nhiên vô giá có giá trị để phát triển du lịch, do vậy là đơn vị sử dụng nguồn nước sản xuất phục vụ cho nhân dân địa phương, chúng tôi cũng không thể đứng ngoài cuộc bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ vẻ đẹp của Bàu Trắng. Do vậy chúng tôi khẳng định và cam kết sẽ tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường, để cùng chung tay bảo vệ thắng cảnh Bàu Trắng”, ông Khánh cho biết thêm.
Liên quan đến giấy phép xả nước sau xử lý vào nguồn nước của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận tại Trạm cấp nước Hòa Thắng vào năm 2019. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thời điểm ấy sau khi nghiên cứu, xác định lại phương án xả nước thải cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo mỹ quan, không ảnh hưởng đến nguồn nước tại hồ Bàu Trắng và lấy ý kiến của cộng đồng dân cư tại khu vực hồ Bàu Trắng, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có sử dụng nguồn nước tại hồ Bàu Trắng để tạo sự đồng thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4485/STNMTTNN ngày 4/10/2019 báo cáo UBND tỉnh về rà soát phương án xả thải để đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước tại hồ Bàu Trắng. Qua xem xét, UBND tỉnh đã ban hành Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 2652/GP-UBND ngày 16/10/2019 cho Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận với lưu lượng xả thải lớn nhất 30 m3/ngày đêm theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, trong đó về phương thức xả thải có nêu rõ: Nước thải sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT cột A, Kq=0,9, kf=1,2 tự chảy ra ống nhựa PVC D200 thông qua 2 hố ga chảy vào mương thoát nước trên đường ĐT 715 sau đó xả ra nguồn tiếp nhận là hồ Bàu Trắng.
Đánh giá lại tổng thể môi trường Bàu Trắng?
Trở lại với thắng cảnh Bàu Trắng, cây sen cùng với Đồi cát Trinh Nữ được xem là linh hồn của thắng cảnh này. Những hình ảnh cây sen vươn mình nở hồng thơm ngát bên mặt hồ phẳng lặng được các nhiếp ảnh gia sáng tác ảnh, trong đó không ít tác phẩm đã đạt giải nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Chính hình ảnh sen hồng gắn với Đồi cát Trinh Nữ đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp của Bàu Trắng đến với du khách trong và ngoài nước, làm cho Bàu Trắng trở thành điểm đến không thể thiếu khi đến Bình Thuận.
Do vậy việc cây sen giảm dần qua từng năm, chưa rõ nguyên nhân theo ghi nhận của Sở VHTT&DL cũng không thể xem nhẹ mà cần phải đánh giá tổng thể, bởi liên quan đến môi trường sống, nguồn nước, sự ổn định lâu dài của thắng cảnh Bàu Trắng…
Theo ghi nhận của chúng tôi, Bàu Trắng có địa hình khá trũng, với triền dốc tứ phía, nên mọi nguồn thoát nước mưa hay sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp đều có thể chảy và thẩm thấu vào bàu. Cùng với phát triển du lịch của địa phương, Bàu Trắng ngày một thu hút du khách đến tham quan, nên nhiều cơ sở du lịch xung quanh Bàu Trắng cũng hình thành. Ngoài ra tốc độ đô thị hóa, dân cư tại quanh Bàu Trắng cũng tăng lên nhanh chóng. Việc sản xuất, canh tác sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật của người dân có đất trong khu vực gần Bàu Trắng cũng tăng lên nhiều, không còn như thời điểm sơ khai trước đây… Đây cũng chính là những yếu tố có khả năng tác động đến Bàu Trắng hiện nay và về sau.
Do vậy, để bảo vệ vẻ đẹp Bàu Trắng bền vững, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, thì cũng cần đánh giá bằng khoa học, tìm nguyên nhân để có giải pháp bảo vệ cây sen nói riêng và vẻ đẹp lâu dài của Bàu Trắng nói chung.