Những giá trị còn mãi với non sông Bài 2: Học tập thường xuyên, làm theo hiệu quả

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 14:58, 30/08/2024

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh đến nay thực sự đã đi vào đời sống, tạo chuyển biến rõ nét trong tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Dù vậy, để việc học tập và làm theo Bác tiếp tục đi vào chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, cần thêm nhiều giải pháp cụ thể, triển khai đồng bộ với quyết tâm cao...

Học Bác qua những việc làm giản dị

Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Bình Thuận triển khai gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Quá trình thực hiện, tỉnh luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Qua thời gian, điều đó đã trở thành một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

heo-dat.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý kiểm đếm tiền tiết kiệm để tặng người nghèo. 

Qua học tập và làm theo gương Bác, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ, trong lao động, sản suất sát với tình hình ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Đơn cử, huyện Bắc Bình có mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, “Tiết kiệm xanh”, “Góc học tập cho em”, “Chuyển giao xe đạp cũ”, “Cấp cứu ngoại tuyến”. Các mô hình tương thân, tương ái, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn đang được làm tỏa có thể kể đến như: “San sẻ đồng lương, giúp đỡ thường xuyên” của Chi bộ Trường Tiểu học Phan Rí Thành 3, Chi bộ trường Tiểu học Sông Lũy 2 đã hỗ trợ 17 điện thoại cho học sinh nghèo học trực tuyến, hay mô hình “Trao kiến thức, gửi yêu thương”, “Đổi chai nhựa, lấy khẩu trang”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” của khối Mặt trận – Đoàn thể huyện và các xã, thị trấn thực sự như một nguồn gió mát đang khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau để cùng vươn lên trong cuộc sống. Tại Huyện Hàm Thuận Bắc cũng có nhiều mô hình hay đang ngày đêm phát huy hiệu quả như: “Camera an ninh”, “Tổ tự quản, tự phòng bảo đảm an ninh trật tự”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, “Ánh sáng an ninh, sáng – xanh – sạch – đẹp”. Các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện duy trì mô hình “Bếp ăn từ thiện”, “Nồi cháo nhân đạo”,… để hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.

dsc03025.jpg
Mô hình "Tổ thuyền đoàn kết" tại Phú Quý tiếp tục phát huy hiệu quả, nhất là việc thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong đánh bắt hải sản. 

Đặc biệt, tại huyện đảo Phú Quý – huyện đảo tiền tiêu của tỉnh cũng có nhiều mô hình được đánh giá cao. Nổi bật có mô hình “Nuôi heo rừng lai”, “Chi hội nghề nghiệp đánh bắt hải sản”, “Tổ thuyền đoàn kết” “Tổ phụ nữ tình thương”, “Tổ Phụ nữ chế biển hải sản sạch”; “Hũ gạo thanh niên”, “Diễn văn nghệ gây quỹ từ thiện giúp đỡ người nghèo, khó khăn”, “Chuyến xe đoàn kết”. Hay mô hình “Heo đất Biên phòng” đang được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý duy trì hàng năm. Thực hiện mô hình này, khi mỗi độ tết đến xuân về, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đảo xa cùng nhau hớn hở đập những chú heo đất, lấy tiền trong heo để tặng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý lại “kết sổ” thêm 8 chú heo đất, thu được 15 triệu đồng, chia thành 30 suất quà tết, mỗi suất 500 ngàn đồng tặng các hộ nghèo trong chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng quân dân”. Suất quà tết 500.000 đồng tuy không lớn, nhưng chứa đựng cả tấm lòng, là tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng huyện đảo dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi để có được 15 triệu đồng ấy, ngoài số tiền từ quỹ tăng gia sản xuất của đơn vị là tiền tiết kiệm trong ăn uống, chi tiêu vặt của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Cứ như thế, những việc làm bình dị mà trân quý ấy cứ lam tỏa và tiếp thêm sức mạnh, đem đến niềm vui cho nhiều người, cho người nghèo thêm ấm lòng, qua đó thắt chặt thêm nghĩa tình đoàn kết quân dân trên huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Để việc học và làm theo Bác phát huy hiệu quả

Góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khơi dậy khát vọng vươn lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao – là kết quả đã được khẳng định qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dù vậy, thực tế vẫn còn những hạn chế, tồn tại đã được Tỉnh ủy thẳng thắn chỉ ra. Trong đó, có một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm, nội dung đột phá chưa sát, đúng tình hình thực tế nên các vấn đề bức xúc, nổi cộm tuy được tập trung chỉ đạo, giải quyết nhưng chưa đạt hiệu quả, nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai.

quang-canh-thanh-pho-phan-thiet-anh-ngoc-lan-3-.jpg
Bình Thuận đang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. (ảnh: N. Lân)

Một số trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chưa chú trọng việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo Bác, chưa làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên toàn tỉnh có một số vụ, việc còn chậm. Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Đối với những hạn chế trên, từng cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh đã đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, xây dựng kế hoạch khắc phục, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác. Ở cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Giữ trọn lời thề đảng viên”. Kịp thời phát hiện, xây dựng, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong Nhân dân; nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, làm lướt hoặc thiếu quan tâm, triển khai hình thức; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nói và làm trái quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng.

Tin rằng, với việc kết quả đạt được cùng những nhiệm vụ, giải pháp đã xác định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Bình Thuận sẽ trở thành công việc thường xuyên, nền nếp, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương với thành quả cao hơn nữa. Bình Thuận cũng sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, đó là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; giữ vững quốc phòng - an ninh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Bình Thuận sẽ trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch…

Bài 1: Học đi đôi với hành

LÊ PHÚC