Cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng, Nhà nước. Bài 1

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 20:24, 30/08/2024

Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế…

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập tại Nghị quyết số 46/NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới (NQ46). Cùng với cả nước, Chương trình hành động số 79 – CTr/TU ngày 24/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) thực hiện NQ 46 xác định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Niềm tin của của nông dân đối với Đảng, Nhà nước góp phần xây dựng giai cấp nông dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài 1: Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; mở rộng mô hình hội nông dân tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính quyền các cấp tăng cường quản lý, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, đồng thời vận động nguồn lực xã hội cho quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn... Nội dung trong Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện NQ 46.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả

Đức Tín là xã thuần nông của huyện Đức Linh, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây trồng dâu nuôi tằm được bà con nông dân chú ý và chọn làm mô hình phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Song để đầu tư cho cánh đồng dâu tằm cần vốn rất lớn để thuê đất, thuê lao động, làm trại nuôi tằm.

fdfc6106-26d7-4ca2-98ae-16357ce94ac6.jpeg
Trồng dâu tại xã Đức Tín.

Tháng 4/2024, Hội Nông dân xã Đức Tín đã có tờ trình đến Quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh Bình Thuận và huyện Đức Linh đề nghị vay vốn, dự kiến thành lập tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm tại xã này. Đó là sự kết nối giữa các hộ nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện mở rộng trang trại, diện tích trồng dâu. Mô hình trồng dâu nuôi tằm được thành lập với 5 thành viên, đại diện cho 5 hộ nông dân tiêu biểu đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của địa phương. Họ cũng là những hộ nông dân tham gia vay vốn thực hiện dự án với 450 triệu đồng. Trong đó vốn đề nghị vay là 220 triệu đồng, còn lại là vốn tự có của các hộ tham gia. Dự án được thực hiện trong 2 năm (từ 2024 đến 2026).

2d4ac817-f858-4e00-9575-527ce64592e7.jpeg
Nuôi tằm.

Theo chia sẻ của chị Bùi Thị Thu Tâm (thành viên tổ hợp tác): Cùng một diện tích đất, nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng cây màu truyền thống. Theo tính toán, nuôi 1 hộp tằm trong 18 ngày nông dân lợi nhuận không dưới 10 triệu đồng…

86b399e1-07b6-4945-8d34-7e368b086739.jpeg
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ nguồn vốn vay mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Việc đầu tư vào dự án trồng dâu nuôi tằm hướng đến mục tiêu đạt hiệu quả về mặt kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho gia đình và ổn định xã hội ở địa phương. Đồng thời hướng đến thu nhập 2 năm trừ chi phí, tổ hợp tác thu lãi trên 600 triệu đồng. Theo Hội Nông dân xã Đức Tín, Đảng ủy và chính quyền địa phương thống nhất định hướng cho Hội Nông dân xã làm tốt tuyên truyền cán bộ hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả đến với hội viên. Qua đó, vừa giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, vừa xây dựng tổ chức hội vững mạnh trong thời gian tới.

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân

Nội dung NQ 46 của Bộ Chính trị đánh giá, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hội nông dân các cấp tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Riêng tại Bình Thuận, Hội Nông dân tỉnh cho biết, tình hình sản xuất, đời sống của đại bộ phận hội viên, nông dân tương đối ổn định và phát triển. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ, hướng dẫn hội viên. Việc nông dân nhận được sự giúp sức từ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương để thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống ở Bình Thuận diễn ra xuyên suốt nhiều năm qua. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, người dân đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách. Đơn cử, hộ ông Lục Tấn Hoàng (thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) là một trong những điển hình của việc thoát nghèo. Gia đình ông rất vui, vì nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, giúp ông thoát nghèo, ổn định sinh kế.

21de685a565bf105a84a.jpg
Ông Hoàng thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay.

Theo chia sẻ của ông Hoàng, vợ chồng ông được sự hỗ trợ thủ tục của Hội Nông dân xã để thực hiện thủ tục vay vốn chăn nuôi bò. Với số tiền 50 triệu đồng trong tay, ông Hoàng tìm mua được một cặp bò lai 3B mẹ con với giá 48 triệu đồng, còn lại 2 triệu đồng làm chi phí sửa chữa chuồng trại. Sau 3 năm cố gắng, chăm chỉ làm ăn, tập trung chăn nuôi, đến thời điểm này thành quả đạt được của gia đình là 10 con bò lớn nhỏ. Hiện tại, cùng với việc chăn nuôi bò và chăm sóc thanh long, đời sống kinh tế của gia đình ổn định hơn trước, nhất là tạo công ăn việc làm cho các thành viên, thoát nghèo bền vững.

z5352443918679_e85cc3eceffc7868533a759fd5c7e5da.jpg
Nông dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất thanh long.

Cũng theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động của hội nông dân các cấp và phong trào nông dân trong toàn tỉnh những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Hội nông dân các cấp từng bước phát huy vai trò nòng cốt chính trị, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.

z4803617278923_a3066f7f04dc2198ee922bbfa7a23f46.jpg
Nông dân Bình Thuận sản xuất thanh long VietGAP.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; củng cố, phát triển tổ chức hội.. Song song tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, toàn tỉnh có dân số gần 1,3 triệu người. Trong đó người dân ở khu vực nông thôn chiếm 51% dân số; hội viên nông dân chiếm 11,9%. Hội Nông dân các cấp hiện nay trong tỉnh gồm: Tỉnh hội; 10 huyện, thị, thành hội; 124 hội cấp cơ sở, 961 chi hội thôn, khu phố và 73 chi hội, 268 tổ hội nghề nghiệp..

Bài 2: Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng phong trào nông dân

Bài 3: Lấy người nông dân là trung tâm và động lực phát triển

Kiều Hằng - Ngọc Hân