Hàm Thuận Nam: Cây trồng thiệt hại nặng sau ngập lụt
Kinh tế - Ngày đăng : 05:15, 03/09/2024
1. Những ngày cuối tháng 8/2024, giá thanh long trên thị trường đã và đang có xu hướng tăng cao với mức từ 20.000 đồng/kg. Người trồng thanh long trong tỉnh nói chung và Hàm Thuận Nam nói riêng đang khấp khởi mừng vì tín hiệu vui ấy. Nhiều hộ dân đã canh đợt chong đèn để ra lứa trái bán vào dịp rằm trung thu sắp tới. Thế nhưng, trong 2 ngày (27 và 28/8), mưa lớn liên tục trên diện rộng ở một số địa phương trong tỉnh. Đối với người dân Hàm Thuận Nam, khó có thể ngờ lại xảy ra lũ nặng đến thế.
Bởi ở vùng đất này, chỉ mấy tháng trước đó được xem là rốn hạn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn đến khô hạn, thiếu nước trầm trọng. Ấy vậy mà cũng trên vùng đất ấy, nhất là xã Hàm Mỹ, chỉ mấy tháng sau lại xảy ra ngập lụt, khiến hàng trăm ngôi nhà, hàng trăm ha cây trồng của nhân dân bị ngập chìm trong lũ.
Trở về nhà sau khi nước rút dần, ông Lê Văn Bằng – một nông dân trồng thanh long lâu năm ở thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ chưa hết hoang mang vì chứng kiến cơn mưa lũ trở lại bất ngờ ở vùng đất này sau 10 năm, thiệt hại nặng nề chưa từng thấy. Gia đình ông Bằng đang canh tác khoảng 1.000 trụ thanh long, vừa đầu tư lứa phân bón, chuẩn bị vào vụ chong đèn, nhưng đợt lũ bất ngờ đã cuốn trôi hết. Đáng lo ngại hơn, đó là diện tích thanh long bị ngâm nước lâu sẽ bị úng rễ, rộp cành rất khó phục hồi sau khi nước rút. Nông dân này cho biết, có nhiều hộ nông dân xung quanh nước ngập đến ngọn thanh long, ngập hết dàn bóng đèn led đang chong trên cành chưa gỡ kịp, nên thiệt hại chưa thể thống kê. Người dân ở đây còn chia sẻ, trên địa bàn có một số hộ rơi vào cảnh “mất cả chì lẫn chài” vì thiên tai. Đó là trường hợp bà con thuê vườn thanh long của chủ vườn để canh tác, bao gồm cả dàn bóng đèn led trên cây. Nhưng thành quả chưa thấy đâu, thì cơn lũ về đột ngột, nước ngập ngọn thanh long đã khiến hàng trăm bóng đèn bị ngâm chìm trong nước, hư hại hoàn toàn và nguy cơ bị chủ vườn đòi bồi thường hư hại.
Với hộ ông Danh ở cùng thôn, khi cơn lũ dần rút xuống, ông vội lội xuống dòng nước chảy, đi dọc các hàng thanh long để “cứu” cây trồng. Nhìn vườn thanh long sau đợt chong đèn đang cho trái, búp đầy cành, ông cũng đành ngậm ngùi vặt hết. Nông dân này giải thích, bông, trái thanh long khi đã bị ngâm trong nước lũ một ngày trở lên sẽ bị hư hại. Do đó, để cứu cây bà con phải cắt bỏ để chờ nước rút đầu tư chăm sóc, cứu lại bộ rễ, cành thanh long. Ông Lê Minh Hoàng - Trưởng thôn Phú Sơn cho biết, đây là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất do cơn mưa lũ, với hơn một nửa diện tích thanh long trong thôn bị ngập. Ngay khi xảy ra lũ, lực lượng của thôn phối hợp với xã ứng cứu kịp thời về người và tài sản. Riêng diện tích cây trồng bị ngập thì phải chờ nước rút mới khắc phục được.
2. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, đợt mưa lớn cuối tháng 8/2024 gây ngập lụt ở Hàm Thuận Nam, nguyên nhân được xác định do mưa liên tục kéo dài nhiều ngày qua. Nước trên các khu vực vùng núi Hàm Cần, Hàm Kiệm, Hàm Cường đổ về nhiều, nhất là khu vực dọc ven sông Cát (thuộc thôn Phú Sơn và Phú Khánh, xã Hàm Mỹ) làm tiêu thoát không kịp gây ngập lụt cho nhân dân trong thôn.
Trong thời điểm ngập lụt, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình ngập lụt tại xã Hàm Mỹ. Qua đó, đề nghị địa phương bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân vùng ngập lụt.
Đồng thời huy động tối đa lực lượng để hỗ trợ di dời dân và tài sản lên nơi an toàn, cần thiết thì đề xuất UBND huyện Hàm Thuận Nam hỗ trợ lực lượng, phương tiện để thực hiện công việc nhanh, kịp thời, hiệu quả. Ông Mai Kiều cũng đến kiểm tra tình hình mực nước, an toàn hồ chứa nước Đu Đủ (khu vực thượng lưu sông Cát), nhắc nhở đơn vị quản lý hồ theo dõi, điều tiết cắt lũ tối đa cho hạ du, tránh lũ chồng lũ làm mức độ ngập lụt nặng thêm.
Mưa lũ gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản và sản xuất nông nghiệp không ai lường trước được. Việc khắc phục hậu quả vẫn đang được người dân và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai. Riêng với nông dân trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam, có lẽ sau sự bấp bênh về giá cả thị trường, bà con đang có thêm sự lo lắng khi phải đối mặt với nguy cơ thiên tai, ngập lụt có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thống kê đến hết ngày 30/8, toàn huyện Hàm Thuận Nam bị ngập úng trên 1.100 ha cây trồng do mưa lũ (chủ yếu thanh long và một số diện tích lúa, cây ăn trái). Trong đó xã Hàm Mỹ khoảng 400 ha thanh long và hoa màu (đang rà soát lại); xã Hàm Minh khoảng 160 ha; xã Hàm Kiệm 285,72 ha; xã Tân Lập 16 ha; xã Hàm Cường 165 ha; thị trấn Thuận Nam 83,53 ha... Hiện huyện Hàm Thuận Nam chưa có đánh giá thiệt hại cụ thể. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị các địa phương bị thiệt hại do thiên tai kiểm tra, đánh giá thiệt hại, đề xuất phương án hỗ trợ, giúp người dân phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Hàm Thuận Nam: Trên 1.100 ha cây trồng bị ngập úng do mưa lũ
Trước đó, từ ngày 27-28/8/2024 trên địa bàn các huyện Hàm Thuận Nam xảy ra mưa lớn kèm gió mạnh gây ngập úng cục bộ nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến cây trồng, tài sản, nhà cửa của người dân. Khu vực bị ảnh hưởng gồm các xã Hàm Mỹ, Hàm Minh, Hàm Cường, Hàm Kiệm, Tân Lập và thị trấn Thuận Nam. Đến sáng ngày 30/8, nước bắt đầu rút dần, nên UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hàm Mỹ tập trung hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa. Đồng thời, đôn đốc các xã, thị trấn tập trung hỗ trợ nhân dân khác phục thiệt hại. Ngoài thiệt hại về cây trồng, thống kê đến thời điểm này trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam có 385 căn nhà bị ngập, hư hỏng. Trong đó xã Hàm Minh 3 căn nhà dân bị sập tường rào; xã Hàm Kiệm 74 căn nhà bị ngập; xã Hàm Mỹ khoảng 307 căn nhà bị ngập (đang rà soát thống kê lại)…
K. Hằng