Cuộc chiến chống “cát tặc” với cách làm của Tánh Linh
Xã hội - Ngày đăng : 05:04, 06/09/2024
Một thời “nổi sóng”
Trung tuần tháng 8, chúng tôi có dịp quay trở lại hồ Biển Lạc, xã Gia An, huyện Tánh Linh. Những tia nắng đầu ngày ló dạng, mặt nước hồ trong xanh, xa xa trên những con thuyền nhỏ là những ngư dân đi giăng câu, chài cá. Khung cảnh yên bình, tuyệt đẹp. Thế nhưng ít ai biết rằng hơn một năm về trước nơi này đã từng “nổi sóng” vì nạn khai thác cát trái phép.
Dắt chúng tôi đi tham quan hồ, ông Nguyễn Văn Triêm, Trưởng thôn 1, xã Gia An chia sẻ: Hồ Biển Lạc có diện tích tự nhiên hơn 1.200 ha. Trong đó, vùng thường xuyên ngập nước (khoảng 300 ha) được UBND xã Gia An cho người dân hợp đồng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, vùng bán ngập (700 -1.000 ha) nằm xung quanh ven hồ Biển Lạc. Năm 1990, khu vực này tiếp tục được cấp phép khai thác sét cho 36 tổ chức, cá nhân, hợp tác xã nhằm phục vụ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói tại huyện Tánh Linh và Đức Linh. Sau khi hết giấy phép, các doanh nghiệp đã bán tàu và một số người dân mua lại với giá rẻ để lén lút khai thác khoáng sản trái phép. Với trữ lượng cát dồi dào, người dân kể cả doanh nghiệp sản xuất gạch cũng lén lút đưa tàu ra hồ Biển Lạc khai thác. Không chỉ người dân huyện Tánh Linh mà người dân ở ngoài địa phương cũng tranh nhau “miếng bánh” béo bở này. “Lúc bấy giờ ở hồ Biển Lạc, ngày cũng như đêm, những chiếc sà lan nằm giữa lòng hồ nổ máy điên loạn, liên tục múc cát đưa lên bờ, để lại lòng hồ gồ ghề, nham nhở. Phía trên hồ là những “binh đoàn” xe ben hàng chục chiếc nối đuôi, thay nhau “ăn hàng” chở về bãi tập kết, bụi cuốn bay mù mịt. Khung cảnh khai thác không khác gì đại công trường khổng lồ. Người dân chúng tôi ở đây vô cùng bức xúc”, ông Triêm cho hay.
Lúc bấy giờ, trách nhiệm thuộc về ai để giải quyết dứt điểm tình trạng trên vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Theo ông Nguyễn Phú Yến – Chủ tịch xã Gia An, thời điểm này chính quyền các cấp trên địa bàn cũng đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý khoáng sản. Song, có lẽ do trữ lượng khoáng sản cát ở lòng hồ Biển Lạc quá dồi dào, lợi nhuận mang lại từ việc khai thác khoáng sản trái phép quá lớn nên các đối tượng luôn tìm mọi cách để lén lút đưa tàu ra hồ Biển Lạc khai thác khoáng sản cát trái phép một cách bất chấp. “Các đối tượng lợi dụng đêm khuya, ngày nghỉ đưa phương tiện ra giữa lòng hồ Biển Lạc để khai thác khoáng sản trái phép. Khi bị các đoàn kiểm tra phát hiện, họ điều khiển phương tiện bỏ chạy vào khu vực giáp ranh với xã Vũ Hòa, Tân Hà, huyện Đức Linh, bỏ phương tiện ở lại và tẩu thoát. Việc lai dắt phương tiện vi phạm này vào bờ để xử lý rất khó”, ông Yến nói.
Mà đâu chỉ ở hồ Biển Lạc, các địa điểm trên địa bàn huyện Tánh Linh như: Sông La Ngà thuộc các xã: Gia An, Đồng Kho, thị trấn Lạc Tánh và một số vùng giáp ranh với huyện Đức Linh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cũng là một trong những điểm nóng về nạn khai thác khoáng sản trái phép. Hoạt động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất mà còn làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia.
Tìm nút thắt để tháo gỡ
Làm thế nào để chấm dứt tình trạng trên? Câu hỏi đặt ra, buộc chính quyền các cấp của huyện Tánh Linh phải tìm câu trả lời. Lúc này, Tánh Linh thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng “cát tặc” tồn tại chính là do việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa chặt chẽ. Chưa kể đến một số nơi còn thờ ơ, buông lỏng, thiếu trách nhiệm từ người đứng đầu.
Tìm ra nút thắt và phải tự mình “gỡ” nút thắt ấy, Tánh Linh đã cụ thể hóa bằng những giải pháp rõ ràng, cụ thể. Ông Giáp Hà Bắc – Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết: Trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, địa phương đã tập trung chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc khai thác khoáng sản; chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tố giác các hành vi sai phạm trong khoáng sản; công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo UBND huyện, Trưởng Công an huyện, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường và của Chủ tịch UBND, Trưởng Công an các xã, thị trấn để người dân cung cấp thông tin, phản ánh làm cơ sở kiểm tra, xử lý.
“Một trong những giải pháp căn cơ, mang lại hiệu quả cao đó chính là chúng tôi đã tổ chức cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện với nội dung: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật Nhà nước về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn xã; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lĩnh vực khoáng sản xảy ra trên địa bàn xã”, ông Bắc nói.
Trong bản cam kết của mình, ông Nguyễn Phú Yến – Chủ tịch UBND xã Gia An có đoạn viết: “Nếu địa bàn để xảy ra tình trạng khai thác cát khoáng sản trái phép… mà Chủ tịch xã không phát hiện ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm, để các ngành chức năng phát hiện hoặc báo chí dư luận phản ánh thì Chủ tịch UBND huyện xem xét xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã… Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về các nội dung đã cam kết”. “Khi trách nhiệm của người đứng đầu được siết chặt, chúng tôi bằng mọi giá tập trung vào công việc, không còn sự buông lỏng, sự thờ ơ cũng bị “triệt tiêu”,” ông Yến nói.
Mặt khác, UBND huyện Tánh Linh đã yêu cầu 13/13 xã, thị trấn thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kiểm tra. Đồng thời, đầu tư kinh phí lắp đặt camera tầm cao để giám sát hoạt động khoáng sản tại vị trí phức tạp; bố trí kinh phí kịp thời để thuê phương tiện kéo cẩu các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về tạm giữ, xử lý.
Những kết quả đạt được
Thời cơ đã đến, UBND huyện Tánh Linh phối hợp với UBND huyện Đức Linh ban hành Kế hoạch để cùng thực hiện việc di dời, trục vớt tàu ghe khai thác cát trái pháp luật khu vực sông La Ngà và hồ Biển Lạc thuộc địa giới hành chính huyện Tánh Linh, Đức Linh. Thời điểm này, phía huyện Tánh Linh đã huy động các lực lượng với khoảng 100 người, gồm công an, quân sự… các phương tiện để đưa các tàu ghe khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc và sông La Ngà vào quản lý.
Trở lại Tánh Linh hôm nay, nghe câu chuyện có chủ tàu đã cắt đôi con tàu của mình để bán phế liệu. Có chủ tàu tháo toàn bộ máy móc trên tàu và di dời ra khỏi khu vực hồ Biển Lạc. Đối với các chủ tàu trên sông La Ngà đa số đều chấp hành, tự giác đưa tàu của mình về bãi tạm giữ. Huyện Tánh Linh đã xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc và sông La Ngà. Hồ Biển Lạc đang dần trở lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
Đối với các điểm giáp ranh với huyện Đức Linh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, UBND huyện đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành, Công an huyện mật phục, bắt quả tang để xử lý nghiêm hoạt động khai thác đất, cát trái phép. Qua đó từ đầu năm 2023 đến nay đã phát hiện và xử lý 15 vụ vi phạm tại các vùng giáp ranh. Tạm giữ và xử lý hàng chục phương tiện vi phạm, trong đó có nhiều vụ do các đối tượng ngoài huyện như ở xã Tân Đức - huyện Hàm Tân, xã Tân Hà, Vũ Hòa - huyện Đức Linh và huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Các vụ việc đa phần được lực lượng công an bắt giữ vào ban đêm và các phương tiện được đưa về trụ sở Công an huyện hoặc UBND xã để xác minh, xử lý. Những vị trí có dấu vết khai thác khoáng sản nhưng không phát hiện quả tang được đoàn kiểm tra liên ngành của huyện rà soát và giao cho UBND xã xác minh chủ sử dụng đất để xử lý hành vi hủy hoại đất, buộc khôi phục tình trạng ban đầu...
Có thể khẳng định, cuộc chiến chống “cát tặc” ở Tánh Linh đã được cụ thể hóa bằng sự quyết liệt từ chủ trương với những giải pháp rõ ràng, cụ thể và khi trách nhiệm của người đứng đầu được đặt lên cao nhất thì cuộc chiến ấy đến nay đã được xử lý gần như triệt để.