“Chim sơn ca” của đồng bào Chăm Bình Thuận
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:05, 06/09/2024
Dụng Thị Minh Tuyết - cô giáo vừa đẹp người, dạy giỏi lại hát hay- là vốn quý của Đoàn nghệ thuật bán chuyên dân tộc Chăm huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Thật ra, trước khi chính thức trở thành cô giáo vào năm 1994, Minh Tuyết đã bén duyên với hoạt động văn nghệ ở địa phương từ đầu năm 1992. Cùng tham gia phong trào với Minh Tuyết còn có các bậc đàn chị như Trường Loan, Phi Thúy, và mãi đến nay, “bộ ba” này vẫn dốc lòng tận tâm cống hiến cho hoạt động giữ gìn, phát huy vốn quý văn hóa nghệ thuật dân tộc Chăm Bình Thuận. Từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, Minh Tuyết là gương mặt tỏa sáng trong phong trào văn nghệ quần chúng. Cô được ưu tiên chọn vào các đội nghệ thuật không chuyên của tỉnh tham gia nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc. Có thể kể một số chương trình tiêu biểu như: Liên hoan Tiếng hát làng Sen tại Nghệ An; Liên hoan ca múa nhạc dân tộc các tỉnh phía nam tại Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Đà Nẵng; Liên hoan Tiếng hát miền Đông do Bình Thuận đăng cai; Liên hoan ca múa nhạc kịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Quá trình tham gia các hoạt động, Minh Tuyết đã được tặng thưởng 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng và nhiều phần thưởng cao quý khác… Bên cạnh đó, Minh Tuyết còn được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận (BTV) mời thực hiện một số MV ca nhạc như “Tình làng gốm”, “Chiếc nhẫn Mư ta - Chiếc nhẫn ân tình” (sáng tác của Amư Nhân) và các làn điệu dân ca Chăm tiêu biểu như: “Thei mai” (Ai tới phía xa), “Anit ralo”(Thương nhiều), “Caik Di tian” (Thương thầm). Ai đã từng nghe Minh Tuyết hát dân ca Chăm, chắc không thể quên được những làn điệu ngọt ngào, lắng sâu, da diết vốn dĩ là điệu tâm hồn mang bản sắc riêng của đồng bào Chăm.
Khi tác giả kiêm đạo diễn Hải Liên dựng vở kịch hát dân ca Chăm “A Sa - Pa Rớ” cho Đoàn nghệ thuật bán chuyên dân tộc Chăm Bắc Bình, Minh Tuyết được chọn vào vai nữ chính (do Phi Thúy bị bệnh đột xuất) và cô đã không phụ lòng kỳ vọng của mọi người. Với ưu thế về giọng hát bẩm sinh cộng với khả năng nhập vai một cách nhuần nhuyễn, Minh Tuyết đã góp phần quan trọng vào sự thành công chung của vở diễn tại Liên hoan sân khấu kịch Vũng Tàu năm 2000. Và vai diễn “A Sa” đã mang về cho Minh Tuyết một phần thưởng xứng đáng - huy chương bạc.
Không có gì quá đáng, khi nói rằng, Minh Tuyết đã góp vào vườn hoa nghệ thuật quần chúng tỉnh nhà những bông hoa tươi thắm và rực rỡ, mang dấu ấn riêng của đồng bào Chăm. Minh Tuyết và biên đạo múa Lâm Phi Thúy cùng các diễn viên không chuyên dân tộc Chăm huyện Bắc Bình đã từng vinh dự biểu diễn phục vụ nhiều đoàn đại biểu của Trung ương và địa phương. Trong đó, Minh Tuyết đặc biệt ấn tượng về các buổi biểu diễn phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội Trung ương và phục vụ các tỉnh bạn như: Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Lâm Đồng, Tuyên Quang. Ở đâu, Minh Tuyết cũng để lại những ấn tượng khó quên về một nữ diễn viên không chuyên duyên dáng, có chất giọng cao vút sáng trong, với phong cách biểu diễn điêu luyện; vừa hát vừa trình bày vũ đạo minh họa hết sức sinh động và hấp dẫn. Minh Tuyết sinh năm 1972 tại thôn Cảnh Diễn, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, đã gắn bó với ngành giáo dục địa phương tròn 30 năm. Hiện tại, với trách nhiệm là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Thanh 2, Minh Tuyết chủ yếu tập trung vào việc làm tròn thiên chức “trồng người” cao quý của nhà giáo. Tuy nhiên, những thành quả tốt đẹp Tuyết đã đạt được trên lĩnh vực ca hát suốt một thời tuổi trẻ sôi nổi, sẽ mãi mãi là niềm tự hào của phong trào văn nghệ không chuyên tỉnh nhà, và tất nhiên trước hết là với cá nhân “chim sơn ca” Dụng Thị Minh Tuyết.