Thiện Nghiệp: Phòng trừ sâu đầu đen gây hại cây dừa
Kinh tế - Ngày đăng : 18:06, 10/09/2024
Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết vừa phối hợp với UBND xã Thiện nghiệp tổ chức tập huấn biện pháp phòng chống bệnh sâu đầu đen hại dừa cho nông dân thôn Thiện Bình. Tham gia tập huấn có đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.
Tại lớp tập huấn, nông dân được hướng dẫn, hỗ trợ các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây dừa sau khi bị sâu đầu đen gây hại. Mục đích tránh để sâu lây lan trên diện tích rộng ảnh hưởng đến kinh tế của người dân trồng dừa tại xã Thiện Nghiệp.
Trước đó, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết đã tổ chức hướng dẫn cho các hộ dân có dừa bị sâu đầu đen gây hại tại xã Thiện Nghiệp về các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Đồng thời, UBND xã Thiện Nghiệp triển khai phổ biến, hướng dẫn trên hệ thống loa truyền thanh và phát tờ rơi hướng dẫn trực tiếp cho các hộ trồng dừa. Qua đó, nhiều hộ dân đã thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu như cắt tỉa cành lá bị sâu gây hại, phun thuốc (Radiant 60SC, Takumi 20WG). Tuy nhiên, tình hình sâu đầu đen gây hại hiện vẫn còn diễn ra và lan sang các khu vực khác.Cụ thể, trước đây tập trung ở thôn Thiện Trung, nhưng hiện đã lan sang thôn Thiện Bình và thôn Thiện Hòa. Người dân còn gặp khó khăn trong thực hiện các biện pháp phòng trừ ở các vườn dừa cao và chăm sóc vườn dừa sau khi bị sâu đầu đen gây hại.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vòng đời của sâu đầu đen hại dừa từ 46 - 65 ngày. Trưởng thành sâu đầu đen ít di chuyển, không thích ánh sáng. Sâu ăn mặt bên trong của biểu bì lá. Sâu thải phân ra ngoài và kết dính lại thành đường hầm bảo vệ ở bên trong. Sâu tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá phía trên. Sâu đầu đen thích gây hại trên các vườn dừa già…Một số biện pháp canh tác dừa được khuyến cáo là cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét của cây dừa bị sâu gây hại và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc ngâm trong nước nhằm làm giảm mật số sâu hại. Đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả, an toàn môi trường và cần thực hiện ngay khi phát hiện sâu đầu đen gây hại từ những lá già bên dưới. Đồng thời, bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón. Hạn chế vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ (cau, chuối…) và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan…