Những nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU đến 30/9
Kinh tế - Ngày đăng : 10:39, 12/09/2024
Nhìn chung, các ngành chức năng và địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống khai thác IUU. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa toàn diện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chậm khắc phục. Tiến độ triển khai nhiệm vụ xử lý tàu “3 không” của huyện Hàm Tân còn khá chậm; tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có giấy phép khai thác thủy sản còn tồn đọng số lượng rất lớn. Tỷ lệ sản lượng thủy sản khai thác được giám sát về IUU còn rất thấp; tiến độ sửa chữa khắc phục hạ tầng cảng cá, khu tránh trú bão còn chậm, nhất là tại Cảng cá La Gi. Xử lý vi phạm khai thác IUU còn hạn chế, nhất là xử lý vi phạm về giám sát hành trình... Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu nỗ lực, thiếu quyết tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có việc, có nơi chưa đồng bộ; có tình trạng e ngại, nể nang, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm khai thác IUU.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác chống khai thác IUU gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nỗ lực, khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương mình, chịu trách nhiệm về tiến độ, kết quả thực hiện, chủ động chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 5 (dự kiến tháng 10/2024).
Theo đó, cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đến ngày 30/9/2024. Các sở, ngành, địa phương, trước hết là Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan truyền thông của tỉnh tổ chức đợt cao điểm về công tác thông tin tuyên truyền về những nội dung, nhiệm vụ đã và đang triển khai thực hiện về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao, kiên quyết không để tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tập trung cao điểm triển khai đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá “3 không” theo Thông tư số 06. Yêu cầu UBND huyện Hàm Tân khẩn trương học tập và áp dụng mô hình, phương pháp làm việc trong việc xử lý nhiệm vụ này của UBND huyện Tuy Phong. UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chỉ đạo UBND cấp xã liên quan lập danh sách các chủ tàu cá không hợp tác với chính quyền địa phương gửi đến các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý triệt để.
Đối với nhóm tàu cá “3 không” từ 6 đến dưới 12 mét, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, hướng dẫn ngư dân thực hiện, hoàn thành các thủ tục hồ sơ để đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản trước ngày 15/9/2024. Đối với nhóm tàu cá chiều dài 12 mét trở lên, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản, Trung tâm Đăng kiểm rà soát thủ tục đăng kiểm, cấp Chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giải quyết các vướng mắc để hoàn thành thủ tục đăng ký trước ngày 30/9/2024. Đối với các tàu chưa làm thủ tục do vướng hồ sơ pháp lý, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, cùng với các ngành chức năng rà soát từng trường hợp cụ thể để giải quyết. Đối với số tàu cá đã mua ngoài tỉnh vào các thời kỳ trước đây, rà soát tình trạng hồ sơ, khẩn trương giải quyết đăng ký lại cho các trường hợp đã được chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi về Bình Thuận sau khi đã xử lý theo quy định. Đồng thời tiếp tục liên hệ, đôn đốc các tỉnh chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi cho số tàu còn lại, trao đổi Cục Thủy sản để thống nhất hướng xử lý các trường hợp tàu cá mua ngoài tỉnh không chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi về tỉnh Bình Thuận, khẩn trương hoàn thành trước ngày 30/9/2024…
Bên cạnh đó, tập trung khắc phục tồn tại trong việc giám sát sản lượng thủy sản khai thác, thống kê tàu cá ra vào cảng cá, đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT). Yêu cầu các lực lượng chức năng (Biên phòng, Kiểm ngư, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá) tập trung nhân lực, phương tiện tiếp tục cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa sông, cửa biển, cảng cá, bến tạm, bãi ngang đến ngày 30/9/2024. Xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm IUU, chú ý các khu vực trọng điểm Cảng cá Phan Thiết, Cảng cá La Gi. Kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá không đảm bảo điều kiện hoạt động, nhất là tàu “3 không” theo danh sách do chính quyền địa phương cung cấp. Tập trung xác minh, xử lý tàu cá vi phạm quy định về VMS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Về sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp hạ tầng cảng cá, nạo vét khơi thông luồng lạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cảng cá: Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình NN&PTNT khẩn trương hoàn thành nạo vét khu nước trước bến 400 CV và hoàn thiện thủ tục PCCC hạng mục nhà phân loại hải sản, nhà làm việc của Ban điều hành thuộc Dự án mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá La Gi, để bàn giao cho Ban Quản lý các cảng cá tỉnh đưa vào sử dụng chậm nhất vào ngày 30/9/2024. Ban Quản lý các cảng cá tỉnh khẩn trương hoàn tất hồ sơ thủ tục các công trình: Sửa chữa khắc phục tình trạng hư hỏng, ô nhiễm môi trường khu vực Bến 200 - 400 CV, Cảng cá La Gi; nạo vét thông luồng cửa biển La Gi; sửa chữa nhà lồng tiếp nhận phân loại hải sản Cảng cá Liên Hương…