Cơn bão đi qua, tình người đọng lại!

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:05, 13/09/2024

Từ xưa nay, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam là sự đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “... người trong một nước thì thương nhau cùng” mỗi khi đất nước bị thiên tai, địch họa. Và, lần này cũng vậy! Đồng bào cả nước đã và đang hướng về miền Bắc, quyên góp, hỗ trợ sức người sức của để sớm khắc phục hậu quả do sự tàn phá của siêu bão Yagi gây ra.

Trong lúc hoàn lưu của bão Yagi đang gây mưa lũ, nhiều tổ chức và nhóm tình nguyện các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng đến vùng bão lũ, tích cực tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả. Tại Hải Phòng, ngày 9/9 hơn 100 tình nguyện viên từ Hội Phản ứng nhanh tỉnh Thừa Thiên Huế (PUN 75) và sinh viên các trường đại học đã đến và khẩn trương phối hợp với địa phương dọn dẹp các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một nhóm khác, có tên Jungle Boss với hơn 35 thành viên từ Quảng Bình thẳng tiến Hải Phòng để chung tay khắc phục hậu quả sau bão Yagi. "Chúng tôi hiểu được những khó khăn khi cơn bão đi qua nên mong muốn đóng góp sức nhỏ của mình cho bà con vùng tâm bão Yagi", anh Lưu Lê Dũng, trưởng nhóm Jungle Boss nói. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội cũng khẩn trương hành động; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An thành lập Đội hình Thanh niên tình nguyện với 100 tình nguyện viên lên đường đến vùng bão lũ.

dsc_4051(1).jpg
Bình Thuận tiếp nhận hàng cứu trợ miền Bắc. Ảnh tư liệu Đình Hòa.

Riêng lực lượng quân đội, biên phòng và công an đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để cứu trợ và khắc phục hậu quả do bão gây ra. Tại các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề như Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai… đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, với nhiều phương tiện như ô tô, xuồng cao tốc để di dời người dân đến nơi an toàn và cứu trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ bị cô lập. Trong bão lũ đã có nhiều hành động, nghĩa cử thể hiện “Tình quân - dân như cá với nước”!

Ngay sau bão, các tổ chức, cơ quan tại các địa phương trong cả nước cũng đã kêu gọi quyên góp ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc, điều này cho thấy tinh thần đoàn kết và tương trợ trong cộng đồng đang lan tỏa hết sức mạnh mẽ.

Thật hết sức xúc động trước những hành động, nghĩa cử của đồng bào trong diễn biến nguy hiểm không lường của bão lũ. Sự chia sẻ, động viên tràn khắp mạng xã hội. Những status như: “Nhắn những bà con đang gặp khó khăn, không có chỗ ẩn nấp, trú ngụ... hãy đến nhà tôi tá túc, hãy đến bãi đất trống của tôi đậu xe cho an toàn chờ tan bão...”. “Cho tôi gởi lòng kính trọng, ngưỡng mộ, yêu thương và ngàn lời cảm ơn đến những anh em lái xe đã chạy chậm lại để chắn gió cho những người đi xe máy trên cầu Nhật Tân trong cơn bão ngày hôm qua. Những bác tài đã lùi xe lại để cho người gặp rủi ro lên xe. Người thanh niên hiệp sĩ đã nhổ gốc cây cắm vào miệng cống ngay trong lũ tràn chảy xiết để cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường”- status của một Facebooker .

Ngay trong chiều 10/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động lời kêu gọi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra. Trong lễ phát động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cùng nhau quyên góp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Tại thời điểm phát động, đã có hơn 407 tỷ đồng được quyên góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão.

Sau phát động của Mặt trận TQVN, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động góp quỹ cứu trợ. Ở đây xin giới thiệu một nghĩa cử, một tấm lòng đáng trân trọng: GS.TS Lê Ngọc Thạch - giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đem cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gửi "chút yêu thương" cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ. Ông Thạch cho biết sổ tiết kiệm này ông để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Ông nói: "Có thể 1 tỷ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu".

Tại Bình Thuận, chỉ sau 2 ngày phát động của Ủy ban Mặt trận tỉnh đã quyên góp được hơn 3 tỷ đồng. Trên mạng xã hội nhiều nhóm thiện nguyện ở Bình Thuận cũng đang kêu gọi, vận động hàng hóa, nhu yếu phẩm, thực phẩm, thức ăn nhanh, thuốc men để vận chuyển giúp đỡ, hỗ trợ người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục bão lũ.

Rất nhiều tấm lòng, nghĩa cử của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đã hỗ trợ, giúp đỡ cả sức người, sức của với đồng bào, địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng bởi bão lũ gây ra. Trong khuôn khổ bài viết này không thể nêu, kể hết được các tấm lòng, hành động, nghĩa cử trân quý trên, chỉ biết qua đó, tất cả tựu trung phản ảnh một điều: Cơn bão đi qua, tình người đọng lại!

Huỳnh Thanh