Chuyện ông đồ xưa!
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:07, 13/09/2024
- Ừ. Ông đồ là người dạy chữ nho xưa. Nhà nho xưa nếu không đỗ đạt hoặc đỗ mà không muốn làm quan thì về làng mở lớp dạy học. Người ta gọi là ông đồ, thầy đồ. Mà sao cháu hỏi vậy?
- Cháu đang soạn bài thơ “Ông đồ”, sáng mai cô giáo giảng. Ông đồ trong bài thơ giỏi quá, viết chữ đẹp ai cũng khen và có nhiều người thuê viết. Sao ông ngoại không viết chữ như ông đồ xưa?
- Ông ngoại không biết viết kiểu chữ như ông đồ, mà bây giờ viết cũng chẳng có ai thuê.
- Ông đồ viết thuê kiếm tiền để sống?
- Không cháu ạ, kiếm tiền là một lý do. Nhưng lý do chính là ông đồ muốn bằng tài viết chữ của mình đem niềm vui tới cho mọi nhà, mọi người nhân dịp tết đến xuân về. Ngày xưa người Việt mình có thú chơi nho nhã là treo câu đối hoặc treo chữ viết theo cách thư pháp trong nhà. Mục đích là vừa làm đẹp nhà, vừa cầu cho mọi sự may mắn đến với gia đình trong năm mới cháu ạ.
- Thế mới có khổ thơ này đúng không ngoại:
… “Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay…”
Cháu gái nhỏ nhẹ đọc tiếp khổ thơ:
“…Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
…Người ta bỏ quên ông đồ hả ngoại. Sao lạ vậy?
“… Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay…”.
- Khổ thơ này buồn quá ngoại ơi! Thế là không ai mua chữ của thầy giáo nữa. Rồi con bé giọng khọt khẹt như nghẹt mũi:
“… Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”.
Giọng như muốn khóc cháu xót xa: - Rồi ông đồ chết, chết rét, chết đói hở ngoại?
Ông ngoại giật mình: - Không phải chết đói, chết rét đâu cháu. Ông đồ chết vì sự cô đơn…
Ông đang định giải thích cho cháu thì cháu đã nói giọng xa xôi:
- May mà ông ngoại có lương hưu! Cháu ngoại ngồi thẫn thờ trong nỗi niềm bâng khuâng:
- Mà lạ quá ngoại ơi. Mới khen tài, khen đẹp thế, bẵng đi một vài năm người ta quên mất ông đồ xưa, con người mà mình từng kính trọng. Đúng là ông đồ chết trong sự bội bạc của con người!
- Không! Không phải thế đâu cháu.
- Người ta tự nhiên quên. Bài thơ không nêu lý do tại sao ông đồ bị lãng quên. Thương quá. Cháu không hiểu được.
- Về ý này chắc chắn ngày mai cô giáo sẽ giải thích cho cháu. Ngoại chỉ nói sơ sơ cho cháu nghe. Từ đầu thế kỷ XX (cách bây giờ 120 năm), nền văn Hán học và chữ Nho ngày càng suy vi trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Tây học du nhập vào Việt Nam, có lẽ vì đó mà hình ảnh những ông đồ đã bị xã hội bỏ quên và dần vắng bóng. Vũ Đình Liên, tác giả đã viết bài thơ Ông đồ để thể hiện niềm ngậm ngùi, day dứt về cảnh cũ, người xưa.
Cháu gái vẫn như không thực sự bằng lòng:
- Nhưng mà ông ngoại nói viết chữ, làm câu đối là một nét đẹp văn hóa truyền thống sao mà người ta mau quên vậy?
- Đúng. Cháu thắc mắc là đúng. Ngày xưa người ta viết câu đối và chữ tết bằng loại chữ Hán, bây giờ vẫn còn ở một số đền tích cũ. Loại chữ đó không được chọn học thông dụng nữa nên người biết ít dần đi. Còn viết câu đối và chữ ngày tết những năm gần đây đã được khôi phục lại. Bây giờ người ta viết bằng loại chữ quốc ngữ mà cháu đang học. Viết theo lối thư pháp đẹp lắm. Tết năm nay ông ngoại sẽ nói với ba đưa cháu đi chợ tết để xem các ông, các chú và cả các cô viết chữ. Nét đẹp văn hóa ấy không thể mất được. Nó được lưu giữ bằng một hình thức khác cháu ạ.
- Vậy a ngoại!