Tết Trung thu, một thời để nhớ…

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:11, 13/09/2024

.

“…Tết Trung thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em múa ca trong ánh trăng vàng…”.

(Rước đèn tháng tám - Đức Quỳnh)

Nhắc lại một chút về ngày Tết Trung thu:

-“… Tết Trung thu là tết trông trăng, tết hoa đăng. Những nước Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Hàn Quốc đều có Lễ hội Trung thu.

trung-thu.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tết Trung thu còn có truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và sự tích chú Cuội, con cá Chép đời vua Tống Nhân Tông và có liên quan đến vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh trống quân…”.

Bài hát “Rước đèn tháng tám” của nhạc sĩ Đức Quỳnh (ông còn có ba nhạc phẩm nữa, đó là: Thoi tơ, Ba giờ khuya, Chim chích chòe…) đã xuất hiện hơn nửa thế kỷ, chỉ sau bài hát “Thằng Cuội” của Lê Thương. Đây là một bài hát “đến hẹn lại lên”, là “thương hiệu” của thiếu nhi mỗi năm khi Tết Trung thu về. Lứa tuổi thiếu nhi từ thôn quê cho đến thành thị cho dù ngày ấy đất nước còn chiến tranh nhưng đứa nào cũng thuộc bài hát này, và ngay cả những người “không còn tuổi Trung thu” cũng hát để… nhớ lại thời niên thiếu tụ năm tụ ba làm giúp nhau những chiếc lồng đèn “cây nhà lá vườn” và chờ đến đêm Trung thu “rước đèn đi khắp phố phường”.

Ở thế kỷ 21 này, Trung thu hình như không còn là tết của thiếu nhi nữa? Vì nhìn ở góc độ xã hội, những chiếc bánh trung thu sang trọng đắt tiền, có những cái lên tới bạc… triệu, chỉ phục vụ cho nhà giàu, còn nhìn ở góc độ nhân văn thì con nhà nghèo chỉ ăn được những cái bánh thuộc loại hàng chợ và giảm giá! (Và phần đông là “ăn có” theo người lớn). Tết Trung thu là của thiếu nhi, nhưng người lớn lại chơi lộn sân nên cũng rộn ràng và ham vui bằng cách mua những hộp bánh đắt tiền biếu anh Tư, chị Ba, chú Năm… để tạo “tình thương mến thương” và có không ít những người già cũng rất vô tư tìm một chút niềm vui với trẻ con để nhớ lại hương vị của một thời xa xưa đã mất!

“…Đèn ông sao với đèn cá chép/ Đèn thiên nga với đèn bướm bướm/ Em rước đèn này đến cung trăng/ Đèn xanh lơ với đèn tím tím/ Đèn xanh lam với đèn trắng trắng/ Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu…” (Rước đèn tháng tám)

Bài hát ấy đã đi theo chúng tôi từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường và mỗi lần Tết Trung thu đến chúng tôi tụ tập ngay ngôi trường của mình đang học, đợi chiều xuống và trăng lên là đốt đèn. Hình ảnh ấy bây giờ chỉ còn trong ký ức, theo thời gian Tết Trung thu đã thay đổi từ cách chơi cho đến cách ăn (ăn bánh trước cả tháng!) vì đời sống bây giờ văn minh hơn giàu sang hơn, ngay cả những chiếc lồng đèn nhấp nháy từ nguồn điện của pin nên không bị cháy như đèn cầy! (Ngày ấy có những đứa trẻ tiếc hùi hụi vì có những chiếc lồng đèn chưa kịp chơi đã bị cháy vì đèn cầy!).

Bài hát “Rước đèn tháng tám” ra đời từ những ngày còn chiến tranh, nhưng những đứa trẻ ở quê nghèo xa xôi không bao giờ nghe được trọn vẹn bài hát này vì Trung thu thời đó không nghe ai nói đến, và cho đến khi ra tỉnh theo học trung học tôi mới biết thế nào là Trung thu.

Thời đi học trường làng, đầu trần chân đất, không có cái cặp để đựng sách vở, chỉ ôm trên tay nên mòn cả gáy, thì Trung thu là cái gì còn rất xa lạ. Ở nhà quê mỗi tháng có vài ba đêm trăng sáng, đó là những đêm tuyệt đẹp, trẻ con chơi thâu đêm suốt sáng, chơi “bất cần thân thể!”. Những đêm rằm trẻ con nhà quê vui chơi ồn ào như cái chợ, gặp những đêm mưa hoặc mây che trăng trẻ con nhìn lên trời trách móc, thế là mất một đêm trăng!

Ngày ấy ra tỉnh đi học quen dần với đời sống thành thị, và Trung thu năm đầu muốn có lồng đèn chơi, chúng tôi chặt tre, chẻ, vót… làm lồng đèn (thường là lồng đèn ngôi sao năm cánh vì dễ làm) dán giấy thủ công đủ màu, gắn bên trong cây đèn cầy lung linh trước gió. Trẻ con ngày nay chỉ mua đèn Trung thu làm sẵn, nên không thú vị bằng chúng ta ngày xưa.

“… Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh/ Tết Trung thu bánh quà đầy mâm

Em bé nhà ưa đứng quây quần/ Đòi hạt sen bánh dẻo đầy nhân/ Em muốn ăn bốn năm ba phần…”. (Rước đèn tháng tám)

Bài hát diễn tả đúng tâm trạng của lớp thiếu nhi chúng tôi thời đó, vì đang tuổi háu ăn, thiếu đói, những chiếc bánh ấy rất bình dân chủ yếu chỉ làm thủ công và hình như không có hạn sử dụng và túi chống ẩm mốc? Còn bánh trung thu ngày nay quả là không thể tưởng tượng nổi: Một hộp bánh bạc triệu, còn “bình dân” thì cũng vài trăm ngàn! Những chiếc bánh đắt tiền dùng để biếu xén nhau, nó chạy lòng vòng từ người này qua người khác… và ai là người ăn chiếc bánh trung thu đắt như vàng ấy… chắc không phải là thiếu nhi rồi! Chúng ta đã đi qua cái “thời trung thu” rước lồng đèn, nhìn trăng lên, vui chơi vô tư, còn bánh trái chỉ là phụ. Còn bây giờ “bánh trung thu là chính”, còn “Tết Trung thu” chỉ là phụ. Cho nên người lớn ăn bánh trung thu từ rằm tháng bảy!

Thôi thì, mỗi năm Tết Trung thu về, xin vui chơi với các cháu để tìm một chút kỷ niệm ngày xa xưa:

“ … Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh… /Tết Trung thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường…”.

TRẦN HỮU NGƯ