Phan Thiết: Phòng chống thiên tai “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn

Đời sống - Ngày đăng : 05:02, 16/09/2024

Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2024, bước vào cao điểm mùa mưa lũ trong năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra đợt mưa lớn, gây thiệt hại về người và tài sản, hạ tầng, cây trồng của nhân dân. Trong đó tại TP. Phan Thiết, tình hình sạt lở, cát tràn xảy ra liên tục, gây ảnh hưởng đến nhiều mặt.

Ảnh hưởng do thời tiết biến đổi bất thường

Những ngày qua, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra ảnh hưởng vô cùng nặng nề ở các tỉnh phía Bắc. Tại Bình Thuận dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng vẫn xảy ra mưa lớn, gây thiệt hại về người, hạ tầng, sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương.

76902809073ea060f92f.jpg
Cát đỏ tràn xuống đường tại TP. Phan Thiết đầu tháng 9/2024.

Riêng tại TP. Phan Thiết, liên tiếp trong 3 ngày (3,4 và 5/ 9), do ảnh hưởng mưa lớn, nước chảy mạnh từ trên đồi cao tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đường 706B) xuống đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài cuốn theo một lượng cát đỏ hơn 500 m3 tràn trên đường với chiều dày hơn 50 cm, gây ách tắc giao thông cục bộ, 1 người bị thương, hư hỏng tài sản, đồ dùng của nhân dân trong khu vực…Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài ngày 21/5 đã gây cát tràn tại khu vực Hàm Tiến, Mũi Né. Cát từ dự án Sentosa tràn xuống với độ dày từ 0,5 đến 1m gây ách tắc giao thông. Tại khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu cát tràn khoảng 150 m gây ách tắc giao thông... Ngay khi xảy ra sạt lở, địa phương đã huy động khẩn trương các phương tiện cùng lực lượng để khắc phục sự cố, nhanh chóng trả lại bề mặt đường cho xe cộ lưu thông…

d30c6b1f43cbe495bdda.jpg
Dọn sạch cát đảm bảo lưu thông.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN TP. Phan Thiết, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó từng bước triển khai đạt hiệu quả, đã ngăn ngừa, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra trên địa bàn. Tuy nhiên, các tình huống, phương án xử lý, kế hoạch phòng ngừa đối với một số loại hình thiên tai của địa phương và đơn vị được xây dựng trên lý thuyết, ít tính thực tiễn. Do đó, không có kinh nghiệm chuyên sâu xử lý cho từng tình huống, phương án cụ thể nếu thiên tai lớn xảy ra thực tế sẽ rất lúng túng. Bên cạnh, các lực lượng tham gia xử lý tình huống không được luyện tập, diễn tập và chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị ứng phó, phù hợp với các tình huống thiên tai, sự cố lớn…

Tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về ứng phó thiên tai

Theo nhìn nhận của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Phan Thiết, nguyên nhân là hiện nay tình hình thời tiết biến đổi bất thường, nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng ngập úng cục bộ còn xảy ra nhiều nơi khi trời mưa to. Hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị, hệ thống thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu, việc xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa lớn diễn ra thường xuyên. Tại TP. Phan Thiết, cửa sông Phú Hài, sông Cà Ty bị bồi lấp, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, ảnh hưởng việc sắp xếp neo đậu tàu thuyền trong trường hợp xảy ra bão, lũ. Riêng đối với các xã, phường như Tiến Thành, Hàm Tiến, Mũi Né vị trí neo đậu tàu thuyền chưa đảm bảo an toàn trong phòng, tránh trú bão.

6081b3035e9af9c4a08b.jpg
Tàu thuyền neo đậu tại sông Cà Ty.

Nguyên nhân cần nhắc đến nữa là hiện nay các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến đường nội thị có hành vi lấp các miệng hố ga, xả rác làm chặn dòng chảy của hệ thống thoát nước cũng làm hiện tượng ngập úng thường xuyên xảy ra. Huy động và sử dụng phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế. Công tác huy động lực lượng cứu hộ cứu nạn chưa theo kịp tình hình thiên tai, sự cố…

Theo nhận định, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2024 ở Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Do đó, các phòng, ban đơn vị và địa phương trên địa bàn thành phố cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phân công, phân cấp xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn.

6fb2a5154a8cedd2b49d.jpg
UBND TP. Phan Thiết triển khai làm rọ đá ngăn cát, giảm lượng cát tràn khi có mưa lớn tại đường Nguyễn Thông.

Nhất là cần rút ra bài học từ các đợt thiên tai trước, đó là tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng khi thiên tai xảy ra để tự người dân có thể tự đối phó khi có sự cố xảy ra. Nâng cấp hệ thống thoát nước thành phố nhằm đảm bảo không xảy ra hiện tượng ngập úng khi mưa lớn. Tại các khu vực xung yếu như thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, các khu vực ven biển như Hàm Tiến, Mũi Né có kế hoạch ứng phó trước khi triều cường dâng như: Xây dựng kè tạm, gia cố tại các vị trí xung yếu không nên chờ sau khi đã xảy ra mới tiến hành khắc phục hậu quả…

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Phan Thiết cho biết: Trong năm 2023 thành phố có 10 căn nhà bị ngập, sập công trình phụ, hư hỏng; bờ kè bị sạt lở 350 m, mái kè bị sụp lún, gãy đổ 250 m, đường bộ hành kè Đồi Dương bị sụp lún 200 m. Ngoài ra, thiên tai còn gây ra 2 vụ tai nạn trên biển, làm chết một thuyền viên. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước khoảng 2,5 tỷ đồng do triều cường, gây sạt lở.

K. Hằng