Lao đao đời biển - vì đâu?

Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo - Ngày đăng : 05:06, 17/09/2024

Đời ngư phủ quanh năm gắn bó cùng biển. Trên biển, họ phải đối diện với muôn trùng sóng gió. Vất vả, hiểm nguy khiến cuộc sống của không ít ngư dân cũng lênh đênh theo từng cơn sóng. Song, giờ đây nhiều người trong số họ còn phải lao đao vì nạn "hải tặc".

Đi biển thì sợ, ở bờ thì lo!

Tôi hiểu rằng, với ngư dân - biển chính là nhà, là nguồn sống, là hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, khi hay tin ngư dân liên tục bị mất ngư cụ, thiệt hại tiền tỷ, tôi quyết định gác lại những việc khác để gặp bà con. Vào buổi sáng trung tuần tháng 9, khi biết chúng tôi đến, nhiều ngư dân cùng vợ con của họ đã đợi sẵn từ sớm. Bên cảng Thương Chánh (TP. Phan Thiết), ngư dân đã trải lòng về những chuyện đã và đang xảy ra. Theo trình bày của ngư dân, cùng với thiên tai, họ còn đang đối diện với cả... nhân tai.

z5819391221684_f0779b43e69b8c232163bf26a18f7741.jpg
Bẫy mực bằng vỏ ốc của ngư dân.
z5821861831420_4e607dcb13c39314dc6ec66c20018b6c.jpg
Thuyền BTh 87557 - TS hành nghề bẫy mực đang neo trên sông Cà Ty. 

Tuần trước, chiếc thuyền hành nghề bẫy mực tua bằng vỏ ốc của gia đình chị Trần Thị Sáu bị kẻ gian cắt trộm lấy đi băng ốc khoảng 4.500 vỏ dài cả chục lý, thiệt hại khoảng 180 triệu đồng. Tháng 7 năm trước, cũng chính thuyền bẫy mực này của gia đình chị cũng bị "hải tặc" lấy đi 2.500 con. Đối với ngư dân, băng ốc ấy chính là ngư cụ chính để bẫy mực. Thời điểm bị trộm ngư cụ, thuyền của gia đình chị đang đánh bắt cách bờ biển Phan Thiết khoảng 30 hải lý về hướng Đông. Chỉ tay về hướng chiếc thuyền BTh 87557 - TS đang neo bên sông Cà Ty, ông Nguyễn Văn Thìn (ngụ phường Phú Tài) cho biết, đó là chiếc của bổn đạo, cũng hành nghề bẫy mực bằng vỏ ốc. Nghề này kéo dài 8 tháng, mỗi chuyến đi kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng. Ngư dân thường đi từ tháng 6 đến tháng 2 năm sau, nghĩa là hiện nay trong giai đoạn cao điểm bẫy mực nhưng có thuyền phải nằm bờ.

“Bị trộm ngư cụ thì ngư dân lấy gì đi biển? Hơn nữa, đi thì sợ "hải tặc", nhưng ở bờ thì lo gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền, rồi tiền lãi vay mua ngư cụ. Thuyền của hải tặc làm bằng composit chạy mười mấy hải lý/giờ, trong khi thuyền của bà con chạy dưới 10 hải lý. Đã có trường hợp, ngư dân phát hiện đối tượng cắt trộm ngư cụ, nhưng không đuổi kịp. Tôi theo nghề biển cả chục năm nay từ cha ông để lại. Năm ngoái, 3 chiếc thuyền đang bẫy ốc của tôi cũng bị cắt mất 3 băng ốc trên 6.000 con” – ông Thìn chua chát kể. Không chỉ ông Thìn, nhiều ngư dân khác như: Nguyễn Văn Nhành (ở khu phố 8, Đức Nghĩa), Võ Văn Ba (khu phố 2, Hưng Long), Lê Thị Hồng Hoa (khu phố 5, Phú Tài)... cũng trong tình cảnh tương tự, ước thiệt hại tiền tỷ. Riêng ông Võ Văn Ba cũng phải vay thêm 70 triệu đồng để mua ngư cụ.

Ngư dân cho hay, không chỉ ở Phan Thiết, nhiều ngư dân ở La Gi, Tuy Phong cũng bị lấy trộm ngư cụ khi vươn khơi. Được biết, để có được băng ốc này, ngư dân phải mua hàng ngàn vỏ ốc (thường là vỏ ốc vôi với giá khoảng 35.000 đồng/vỏ), sau đó khoan lỗ trên ốc, dùng dây để nối các vỏ ốc lại với nhau kéo dài vài chục hải lý tạo thành bẫy thả xuống biển để dụ cho mực, bạch tuộc chui vào. 1 chiếc thuyền thường có khoảng 13.000 – 15.000 vỏ ốc, tùy công suất mỗi chiếc. Nghề bẫy mực bằng vỏ ốc tuy năng suất không cao nhưng không cần nhiều lao động, được ngành chức năng đánh giá cao trong việc tránh được sự hủy diệt nguồn tài nguyên sinh thái biển.

dsc03022.jpg
Ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Bình Thuận. 
dsc03021.jpg
Hình thành tổ, đội đoàn kết trong quá trình đánh bắt hải sản là biện pháp hiệu quả trong việc giữ gìn tài sản, hỗ trợ nhau khi có vấn đề phát sinh trên biển.

Tăng cường cảnh giác, đoàn kết vươn khơi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm này năm trước, hàng chục ngư dân khác trên địa bàn TP. Phan Thiết cũng liên tục mất trộm ngư cụ khi đang hành nghề trên vùng biển Phan Thiết, bị thiệt hại tài sản khá lớn nhưng chưa bắt được đối tượng gây ra. Đơn cử, ngày 16/8/2023, Trạm Kiểm soát Biên phòng Phan Thiết tiếp nhận tin báo của ông Trần Văn Hiếu về việc ông và thuyền trưởng 7 tàu cá khác bị mất trộm khoảng 9.700 vỏ ốc (dùng để bẫy mực tua) khi đang hành nghề trên vùng biển Phan Thiết có tọa độ 10°47′N - 108°16′E cách cửa biển Phan Thiết khoảng 14 hải lý về hướng đông bắc. Ngày 21/8/2023 Trạm Kiểm soát Biên phòng Phú Hải tiếp tục nhận được tin báo của ông Hà Văn Tùng (trú tại khu phố 3, phường Phú Hài) là thuyền trưởng tàu cá BTh 99550 TS, công suất 310 CV, đang ốc bẫy mực cách cảng Phú Hải khoảng 15 hải lý về hướng đông bắc, bị mất khoảng 2.500 con ốc.

Ngư dân cho biết thời điểm bị mất ốc, tàu cá Phan Thiết phát hiện có 1 chiếc thuyền lạ, nghi là phương tiện trộm bẫy ốc của ngư dân, thuyền này dài khoảng 9 - 10m, vỏ màu xanh, viền màu trắng, cabin màu xanh lá cây, không có số đăng ký. Phát hiện bị ngư dân truy đuổi, phương tiện lạ này lập tức chạy về hướng đông bắc, hướng về khu vực Mũi Né và Phan Rí. Ngư dân đuổi lên tận bờ nhưng không bắt được.

Trước thông tin phản ánh của bà con, lực lượng biên phòng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương liên quan tiến hành rà soát, xác minh, làm rõ các nội dung có liên quan để có cơ sở xử lý tiếp theo. Đồng thời đề nghị bà con nâng cao cảnh giác, có biện pháp để bảo vệ tài sản của mình; khi phát hiện phương tiện và đối tượng nghi vấn kịp thời thông báo cho bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng gần nhất để tiến hành kiểm tra, bắt giữ, xử lý, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Biển cho cá, cho mực, cho ngư dân cuộc sống ấm no nhưng vấn nạn trộm cắp ngư cụ trên biển cũng đang đặt ra bài toán, thách thức họ trong mỗi chuyến ra khơi. Vì thế, để ngư dân vững tâm khi ra khơi, bám biển, khai thác nguồn lợi hải sản, đề nghị các ngành chức năng, địa phương liên quan chuyên án điều tra và xử lý triệt để tình trạng kẻ gian trộm vỏ ốc của các tàu cá hành nghề dùng ốc bẫy mực, trước hết là trên địa bàn TP. Phan Thiết. Các đồn biên phòng tăng cường công tác theo dõi, tuần tra tại các khu vực thường xuyên xảy ra mất trộm ốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thiết nghĩ, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền địa phương, ngư dân cũng nên nâng cao cảnh giác trong tự bảo vệ tài sản của mình. Đồng thời tăng cường đoàn kết, liên kết chặt chẽ hơn trong quá trình đánh bắt, phát huy hiệu quả của các tổ, đội sản xuất trên biển. Bởi đây là mô hình được đánh giá cao với những hiệu quả được khẳng định trong việc giữ gìn tài sản, hỗ trợ nhau khi có vấn đề phát sinh trên biển.

LÊ PHÚC