Vướng mắc trong giấy phép lái xe tích hợp
Pháp luật - Ngày đăng : 05:13, 18/09/2024
Theo Điều 33 Thông tư 12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, người dân có thể tích hợp các hạng của giấy phép lái xe (GPLX) vào làm một. Trên địa bàn tỉnh có khá nhiều người lựa chọn việc tích hợp GPLX, thường là tích hợp hạng A1 (GPLX mô tô) tích hợp với B2 hoặc C, D, E (GPLX ô tô). Bên cạnh các tiện ích gọn nhẹ, dễ dàng quản lý, bảo quản, tránh mất mát và thuận tiện trong quá trình sử dụng, việc tích hợp các hạng của GPLX vào làm 1 khi ứng dụng vào thực tế cũng gặp phải một số bất cập, nhất là trường hợp vi phạm quy định an toàn giao thông và bị tước GPLX.
Cụ thể, khi người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà vi phạm bị xử phạt hành chính kèm hình thức phạt bổ sung là tước GPLX có thời hạn. Với trường hợp người dân sử dụng GPLX tích hợp, khi bị tước GPLX 1 hạng, đồng nghĩa với việc bị tạm giữ luôn hạng còn lại. Với hạng không bị tước khi tới thời điểm cần phải cấp đổi, người dân không thể thực hiện vì GPLX tích hợp đang bị tạm giữ.
Theo một số người dân do không thể làm thủ tục đổi GPLX ô tô nên nếu chờ hết thời hạn tước GPLX hạng A1, thì phải sát hạch lại lý thuyết hạng B2, do pháp luật quy định người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX. Trường hợp quá hạn từ 1 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX.
Cũng có trường hợp người dân bị mất việc làm do không thể đổi giấy phép lái xe các hạng của ô tô. Trường hợp của ông N. ở TP. Phan Thiết là một ví dụ. Tháng 5/2024, sau khi nhậu với bạn bè, ông điều khiển xe máy về nhà thì bị Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính vì nồng độ cồn trong hơi thở vượt qua mức 0,4/1 lít khí thở. Ông N. không chỉ bị phạt hành chính 7 triệu đồng mà còn bị phạt bổ sung, tước quyền sử dụng GPLX hạng A1 trong 23 tháng.
Mọi việc chỉ bắt đầu rắc rối khi ông N. đã tích hợp giấy phép lái xe hạng A1 và C vào chung một giấy. Tháng 7/2024, giấy phép lái xe ô tô hạng C của ông N. hết hạn sử dụng phải cấp đổi mới. Tuy nhiên, do bản cứng giấy phép lái xe tích hợp đã bị lực lượng công an thu giữ nên ông N. không thể tiến hành cấp đổi giấy phép lái xe hạng C của mình. Ông N. đã bị cơ quan không chấp nhận tiếp tục cho ông lái xe ô tô vì GPLX hạng C đã hết hạn và không được ngành chức năng cấp đổi lại. Trên thực tế, không chỉ ông N. mà rất nhiều trường hợp khác cũng trong tình trạng “dở khóc, dở cười” tương tự.
Nhiều người dân đã có phản ánh đến các cơ quan chức năng. Theo Sở Giao thông Vận tải, nguyên nhân của việc không thể cấp đổi giấy phép lái xe tích hợp là vì khi Sở Giao thông Vận tải truy cập vào hệ thống hiển thị GPLX của người đó đang bị Cảnh sát giao thông tước nên không thể làm thủ tục cấp đổi. Trước những bất cập này, Sở Giao thông Vận tải và các ngành chức năng liên đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện. Bộ GTVT đã có trả lời: Tại khoản 5 Điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định: “Trong thời gian bị tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Còn trường hợp người đã có GPLX tích hợp của GPLX có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách GPLX thì làm thủ tục tách theo quy định tại Điều 38 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT. Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các địa phương thực hiện theo đúng quy định này.
Mặc dù, Bộ Giao thông Vận tải đã có trả lời về vấn đề trên, tuy nhiên, trên thực tế đây vẫn là bất cập gây bức xúc cho người dân cần sớm tháo gỡ. Để có giải pháp phù hợp, vừa khuyến khích người dân tích hợp GPLX và thuận lợi trong việc xử lý vi phạm, cấp đổi GPLX, 3 bộ (Bộ GTVT, Bộ Công an và Bộ Tư pháp) nên thống nhất và có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương triển khai.