Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:42, 20/09/2024

Di sản văn hóa là sản phẩm vật chất và tinh thần gắn liền với cộng đồng dân cư, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Ngày nay di sản văn hóa không chỉ là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của nhân dân mà còn là nguồn tài nguyên phong phú tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo và khác biệt cho các địa phương trong tỉnh.
_lan3566.jpg
Lễ hội Cầu ngư tại TP. Phan Thiết (ảnh Ngọc Lân)

Phát triển công nghiệp văn hóa từ di sản

Các di tích lịch sử - văn hóa ở Bình Thuận có niên đại tạo lập sớm muộn khác nhau. Ngoài các di tích khảo cổ thời tiền sơ sử thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và di chỉ Đa Kai có niên đại cách ngày nay từ 2.500 - 3.000 năm. Hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh ta đều có niên đại tạo dựng cách ngày nay trên dưới 200 năm. Riêng các nhóm tháp Chăm được xây dựng sớm hơn rất nhiều, có nhóm tháp đã trải qua hơn 1.000 năm tuổi, các nhóm đền tháp muộn nhất cũng được xây dựng từ thế kỷ XVI - XVII. Tiêu biểu cho nhóm đền tháp có niên đại sớm thuộc phong cách nghệ thuật Hòa Lai ở Bình Thuận là tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết), tháp Pô Dam (Tuy Phong)…

thap.-2023.jpg
Di tích tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết) thu hút lượng khách đông đảo vào các dịp tết, hè

Đến nay, toàn tỉnh có 28 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng di tích quốc gia và 49 di tích được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hóa này đều đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương và nhu cầu tham quan, chiêm bái, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài nước. Trong đó nhiều di tích, danh thắng trở thành những điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch văn hóa, tín ngưỡng tâm linh và sinh thái.

2023.ve-nguon.jpg
 Hành trình về nguồn  tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

Đặc biệt, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2023 nhưng trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi tổ chức hoạt động về nguồn, sinh hoạt dã ngoại ý nghĩa. Ngay trong năm đó, Khu di tích tiếp đón và phục vụ hơn 31.000 lượt khách trong, ngoài tỉnh.

nghe-nhan-trinh-dien-1.jpg
Các nghệ nhân ở làng gốm Bình Đức biểu diễn làm gốm thủ công

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh cũng được quan tâm kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị đưa lại hiệu quả khá tốt. Đến nay, Bình Thuận có 4 di sản được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức (Bắc Bình); Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú (Phan Thiết), Lễ hội dinh Thầy Thím (La Gi) và Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận. Trong đó, nghệ thuật làm gốm của người Chăm thôn Bình Đức đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện ngành văn hóa đã triển khai xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt 4 đề án bảo tồn và phát huy phục vụ phát triển du lịch 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nêu trên.

nl.-dai-le-cung-ta-on-nu-than-po-sah-inu-va-cac-vi-than-linh.jpg
nl.-2023.dong-bao-cham-thanh-kinh-ta-on-nu-than-po-sah-inu.jpg
Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tại tháp Po Sah Inư. Ảnh: N.Lân

Đồng bộ các giải pháp

Các di tích lịch sử - văn hóa ra đời trước hết xuất phát từ những nhu cầu về tinh thần, tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh của con người. Bản thân di tích là biểu hiện vật chất của các giá trị văn hóa phi vật thể ẩn chứa bên trong nó, còn giá trị văn hóa phi vật thể tồn tại như là biểu hiện tinh thần của di tích đó. Hai mặt của di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) hòa quyện vào nhau trong một thể thống nhất. Do đó, một nguyên tắc quan trọng trong công tác trùng tu di tích là làm sao để bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà di tích hàm chứa, đảm bảo cho di tích tồn tại lâu dài, bền vững không chỉ về mặt vật chất mà quan trọng hơn là các giá trị về mặt tinh thần, đây cũng chính là yếu tố nội sinh quan trọng, là linh hồn để nuôi sống di tích.

_lan3373.jpg
a-lan.-2023.jpg
Lễ hội Cầu ngư tại TP. Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Hơn 20 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp, tu bổ di tích, Nhà nước đã đầu tư nguồn kinh phí khá lớn, cùng một phần kinh phí của di tích và nguồn xã hội hóa do nhân dân đóng góp để trùng tu, tôn tạo, khôi phục lại diện mạo, kết cấu kiến trúc cổ xưa vốn có của di tích. Qua đó bước đầu khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di sản, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Đã có 24/28 di tích cấp quốc gia được trùng tu, tôn tạo. Trong đó nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo bằng 100% vốn tự có của di tích như dinh Thầy Thím (La Gi), chùa Núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), chùa Cổ Thạch (Tuy Phong)…

img_9535.jpg
Học sinh và giáo viên xem triển lãm tranh vẽ về di tích, lễ hội 
img_6964.jpg
Truyền dạy dân ca, dân vũ của đồng bào K`ho xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc)

Riêng di tích cấp tỉnh, ngoài các di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do ngân sách địa phương còn khó khăn nên Nhà nước mới chỉ đầu tư tu bổ, tôn tạo 10/49 di tích. Đối với các di tích cấp tỉnh còn lại, sẽ ưu tiên những di tích xuống cấp nặng nề đưa vào danh mục trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn đầu tư trung hạn của tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo và nguồn xã hội hóa.

img_3095.jpg
Khách tham quan xe Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm tại Bắc Bình

Ngành VHTT&DL tỉnh nhìn nhận: Bên cạnh du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng thì du lịch văn hóa, tâm linh tín ngưỡng gắn với các di tích và lễ hội đã và đang ngày càng có sức thu hút đối với du khách. Vì thế Bảo tàng tỉnh cũng như toàn ngành đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và tạo mã QR các hiện vật, di tích, lễ hội… có giá trị tiêu biểu của tỉnh để tuyên truyền, quảng bá lên trên Youtube, Website, Fanpage, Zalo… của đơn vị phục vụ phát triển du lịch. Song song, tiếp tục lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu, đặc sắc, đang có nguy cơ mai một, biến thể… để khảo sát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đáng chú ý, những năm gần đây, Sở VHTT&DL phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo về “Hoạt động giáo dục thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2020 – 2025. Bằng hình thức tham quan trực tiếp và đưa tranh, ảnh về trường học đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, những lớp truyền dạy văn hóa thuộc Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thực hiện trong năm 2023, 2024 là cơ sở để khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngành VHTT&DL tỉnh đang định hướng xây dựng, kết nối để hình thành các tour, tuyến du lịch đến các di tích, lễ hội tiêu biểu hoặc kết nối tham quan các di tích, lễ hội với các tour, tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dã ngoại khác. Như với huyện Bắc Bình, có thể kết nối từ Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm - Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm - đền thờ vua Chăm Pô Klong Mơh Nai - đền thờ vua Chăm Pô Nít - Làng nghề gốm thủ công Bình Đức và một số làng dệt thủ công truyền thống của người Chăm. Còn các địa phương khác cũng cần hình thành, nối kết các tour, tuyến du lịch để tạo sự liên hoàn và gắn kết giữa các loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng với du lịch văn hóa, tín ngưỡng tâm linh để thu hút du khách.

Căn cứ vào đặc thù, tình hình, Bình Thuận tiếp tục thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đến các sở, ngành, địa phương trong tỉnh để tiếp tục nâng cao nhận thức và tầm nhìn về vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương.

Thùy Linh