Diễn đàn Tổng Biên tập 2024: Hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp
Chính trị - Ngày đăng : 08:42, 22/09/2024
Báo chí phải xác định được cách thức hoàn thành nhiệm vụ đưa tin
Trong bài thuyết trình Tổng quan về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp mở đầu phiên thảo luận thứ nhất, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã chia sẻ rằng: Thông tin tiêu cực dường như trở thành ADN của báo chí. Theo đó, những bài viết về thảm kịch đối với con người, thiên tai và xung đột toàn cầu đóng vai trò chủ đạo để kích thích mọi người đọc tin mỗi ngày. Mối quan tâm đến tin tức dựa trên sự sợ hãi lên tới đỉnh điểm vào năm 2020, khi các cơ quan báo chí trên thế giới chứng kiến số lượng trả phí đọc báo điện tử và tiêu dùng nội dung tăng vọt trong đại dịch Covid-19.
Vòng quay tin tức không ngừng nghỉ suốt 24 giờ và người dùng liên tục tiếp cận thông tin tiêu cực. Tuy tin tiêu cực có thể đóng vai trò quan trọng là thông tin, cảnh báo và quy trách nhiệm cho những người nắm giữ quyền lực, nhưng nó cũng gây tác động có hại với độc giả, chẳng hạn gây ra sợ hãi, lo lắng, tức giận, hoài nghi, thậm chí lãnh cảm. Hậu quả là độc giả quay lưng với báo chí. Theo báo cáo năm 2022 của Reuters, tỷ lệ né tránh tin tức ở Brasil và Anh đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017.
“Khi mà niềm tin với truyền thông bị xói mòn và tình trạng né tránh tin tức cao chưa từng thấy, các cơ quan báo chí phải tìm hiểu lý do người dùng ồ ạt xa rời tin tức và tìm ra cách thu hút, tương tác và giữ chân độc giả. Tin tức tiêu cực thường bị coi là một trong những nguyên nhân chính, vì vậy báo chí phải xác định cách thức hoàn thành nhiệm vụ đưa tin mà không làm độc giả xa lánh”, ông Minh nói.
Ông Lê Quốc Minh nêu “7 bí kíp” đối phó tình trạng né tránh tin tức: Nội dung đơn giản, ngắn gọn và hữu ích; Viết những bài liên quan đến con người và có sức nặng; Lắng nghe độc giả (và có hành động phù hợp); Quan tâm tới cộng đồng và xây dựng tòa soạn đa dạng sắc tộc; Tạo ra nhiều format thu hút tương tác hơn; Suy nghĩ lại về việc đưa tin chính trị (theo hướng xây dựng); Tìm kiếm giải pháp và mang lại hy vọng.
“Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp, theo đó các cơ quan báo chí trong khi đưa tin thì cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng hiệu quả của Báo chí xây dựng: Ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; Trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân; Không bị coi là báo chí chất lượng thấp; Thúc đẩy mọi người có hành động có ích cho xã hội; Gia tăng tương tác với cơ quan báo chí, tác giả bài báo và chủ đề; Tăng số “likes” dù có thể không thúc đẩy chia sẻ hoặc bình luận; Có thể thu hút và tăng nguồn thu quảng cáo, vì thu hút sự chú ý nhiều hơn của độc giả.
Tham luận liên quan đến nội dung Báo chí giải pháp: Xu hướng và tiềm năng, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Biên tập báo Văn hóa cho rằng, báo chí giải pháp là một phương thức tiếp cận tiên tiến để đưa thông tin về phát triển xã hội đến với người đọc, không đơn thuần chỉ là một xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông. Báo chí giải pháp trở thành một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội và mở ra con đường phát triển cho chính nó là nhờ vào ưu thế tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hiệu quả.
"Chính vì vậy, người làm báo chí giải pháp cần phải có một tư duy đổi mới, tích cực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ nghiêm túc quy trình tác nghiệp, thành thạo trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ để tạo ra các nội dung đa phương tiện, nâng cao năng lực ngôn ngữ để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn, để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí giải pháp thực sự có giá trị. Một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là sự hỗ trợ, khuyến khích cũng như việc quan tâm, đào tạo, đầu tư nguồn nhân lực, công nghệ, chiến lược xây dựng nội dung từ các tòa soạn", ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Vũ, báo chí giải pháp không chỉ đơn thuần là việc đưa ra vấn đề, mà còn tìm kiếm và đề xuất cách giải quyết. Điều đó đòi hỏi bên cạnh việc đưa ra các giải pháp, người viết cần phải thể hiện được sự sáng tạo, đột phá trong cách đặt vấn đề, trong nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện, trong cấu trúc thông tin, trong kết cấu bài viết để tạo sự độc đáo, thú vị và hấp dẫn. "Để có những góc nhìn đa diện, đa chiều, người viết cần phải có sự tham vấn của các chuyên gia, những người thực hiện giải pháp và cả những đối tượng, thành phần chịu sự tác động trực tiếp từ các giải pháp. Để đảm bảo tính chính xác, chân thực của bài viết, người viết cần có một quá trình thực tế để thu thập thông tin, luôn nâng cao kỹ năng phân tích, phản biện, kiểm chứng thông tin để hạn chế những đánh giá phiến diện, một chiều khi minh chứng những hiệu quả thực sự của giải pháp", Tổng Biên tập Báo Văn hóa nêu rõ.
Là một trong những tờ báo địa phương tham gia tham luận tại diễn đàn, ông Lê Huy Toàn - Tổng Biên tập Báo Bình Thuận đặt vấn đề: Tại sao chúng tôi đặt ra câu hỏi Báo chí giải pháp – Giải bài toán tài chính cho Báo Đảng? Theo ông Lê Huy Toàn, Báo Bình Thuận là tờ báo Đảng của một địa phương với chức năng là đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, yêu cầu đặt ra hiện nay là vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị và truyền thông chính sách song vừa phải có nguồn thu. Và nguồn thu chính là vấn đề khá nan giải đối với các cơ quan báo chí chính thống, đặc biệt là báo Đảng bởi tính chất “khô khan” cũng như sự ràng buộc nhiều yếu tố khác nhau mang tính nguyên tắc mà cơ quan ngôn luận trực thuộc Đảng bộ phải thực hiện.
Ông Toàn cho biết, đối với Báo Bình Thuận thì mọi hoạt động của các số báo đều tập trung xoay quanh trục truyền thông chính sách. Hiện nay Báo Bình Thuận đã phối hợp thực hiện nhiều gói tuyên truyền trên các lĩnh vực. Nổi lên như những chính sách về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo thông tin, suy dinh dưỡng trẻ em, bảo hiểm xã hội, trật tự an toàn giao thông, khuyến công… "Những bài truyền thông chính sách này, Báo Bình Thuận đều đăng trên báo giấy rồi chuyển lên báo điện tử hoặc ngược lại, tùy yêu cầu của bên cần tuyên truyền và cả vấn đề cần nhanh, kịp với các báo thường trú khác và mạng xã hội", ông Toàn cho hay.
Đáng chú ý, theo ông Lê Huy Toàn, trong phát huy vai trò truyền thông chính sách, Báo Bình Thuận thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt công chúng hiểu đúng nghĩa trong nhiều vụ việc nóng xảy ra tại tỉnh. Khi sự thật được lan rộng, những thông tin sai, đơm đặt trên mạng sau đó tự “biến mất”. Qua những vụ việc như thế, Báo Bình Thuận nâng thêm vị thế cũng như tầm quan trọng của báo địa phương. Cũng từ đó, việc tăng nguồn thu cho báo được thuận lợi hơn, mở thêm được nhiều gói tuyên truyền không chỉ trong lĩnh vực nhà nước mà còn ở lĩnh vực doanh nghiệp…
Bên cạnh mặt được trên, Tổng Biên tập Báo Bình Thuận cho biết không phải lúc nào trên báo cũng có những bài viết đáp ứng yêu cầu của báo chí giải pháp nên đã từng có những bài viết mang lại tác dụng ngược. Đó là gặp phải sự phản ứng từ “nhân vật” trong bài báo và lan rộng hơn là dư luận xã hội… "Sau khi xử lý truyền thông những tình huống trên, Báo Bình Thuận đều rút kinh nghiệm, nhờ vậy càng ngày những bài viết phân tích vấn đề chặt chẽ, chỉ ra nguyên nhân, đề ra giải pháp đối với vấn đề nóng, nhiều tranh cãi, tạo sự đồng tình lớn trên mạng xã hội cũng ngày càng nhiều lên", ông Toàn cho biết.
Giữ vững vị trí ngọn hải đăng
Trong phiên tham luận thứ 2: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả? Bà Nguyễn Thị Hồng Nga - Tổng Biên tập Báo Giao thông đã nhắc đến câu chuyện mới đây khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện sao kê các khoản ủng hộ cho đồng bào thiệt hại do bão số 3. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cần công khai về cả khoản chi nữa. Từ câu chuyện đó, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho rằng, báo chí giải pháp không chỉ là đưa tin đơn thuần, cần có những kiến nghị, giải pháp cụ thể, phải làm gì để nguồn thu được chi thỏa đáng và những người được chi nhận được đúng nhất nhu cầu mà họ cần. "Ý kiến, giải pháp được báo chí đưa ra lại tiếp tục cần được báo chí phản biện để cho ra các tác phẩm thực sự mang lại giải pháp cho xã hội và được thực thi một cách đúng đắn", bà Nga nói.
Tổng Biên tập Báo Giao thông cũng cho biết, lâu nay các tòa soạn không thể đăng bài báo nào mà không có giải pháp, song để làm được một bài báo có giải pháp hay còn gọi là các tác phẩm báo chí chất lượng cao thì cần rất nhiều nguồn lực. Thực tế cho thấy, tỷ lệ bài báo chất lượng cao trong các tin bài trong một ngày ở các tòa soạn là rất ít. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cũng nhấn mạnh đến vấn đề kinh phí để thực hiện những tác phẩm đó và cho rằng đó là yếu tố rất quan trọng.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, một trong những vấn đề được nêu tại diễn đàn chính là báo chí phải mang lại giải pháp cho xã hội, qua đó nhìn thấy giải pháp cho mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, báo chí cần hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận để biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội. Ví dụ: Con người phải đi tìm những môi trường hay, kể cả môi trường đang tốt nhưng kiếm môi trường tốt hơn để thay đổi. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt vấn đề: Vì sao phải làm báo chí giải pháp khi những mâu thuẫn không nhỏ trong xã hội, bao gồm những mâu thuẫn ở cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân lại nghĩ chính báo chí là vấn đề chứ không phải họ? Và khi họ tìm giải pháp cho vấn đề của chính họ, ít khi họ nói đến báo chí. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, bản thân cơ quan nhà nước cũng đang tìm giải pháp để giải quyết tốt vấn đề truyền thông chính sách nhưng có vẻ như họ ít tìm đến báo chí để làm việc ấy. Việc tương tác, 2 bên cùng có lợi rất ít. "Ví dụ như truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Họ có rất nhiều hình thức, cách tiếp cận đến với người dân như thông qua các cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin nguồn, bằng công nghệ để thông tin đến với người dân nhanh nhất", ông Lâm nêu ví dụ.
Để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. "Chúng ta cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác", ông Lâm nêu rõ và cho rằng tầm nhìn của các cơ quan báo chí cũng rất quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh vấn đề việc báo chí cần tiết chế, không đưa tin quá mức về những vấn đề nhạy cảm, bởi đôi khi kết quả lại ngược lại so với mục đích ban đầu, phản tác dụng. Ông Lâm nói: "Ví dụ như việc đưa tin quá nhiều, dồn dập về giá vàng tạo áp lực lên công tác điều hành giá vàng. Hay có xu hướng tìm những báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đưa thông tin nhưng chủ yếu là bóc mẽ, phán xét về doanh nghiệp đó".
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, báo chí đang đứng trước rất nhiều thay đổi, sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra thần tốc dẫn đến những kết cục mà chỉ trong vòng 5 năm thậm chí là 3 năm không thể hình dung được. Giờ đây, trí tuệ nhân tạo không chỉ đe dọa đến vị trí việc làm mà còn đe doạ tất cả các vị trí trung gian khác. Mặt khác, là sự thay đổi của người dùng. Theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, người dùng không nhất thiết phải tìm đến báo chí mới có được thông tin. Thực tế cho thấy, công chúng trẻ, thế hệ GenZ giờ đây không đọc báo in, không xem truyền hình, không nghe phát thanh nhưng họ vẫn biết hết tất cả thông tin.
Sự thay đổi đang diễn ra chóng mặt, trong đó chính các doanh nghiệp có thể cũng không cần đến báo chí nữa. Họ cũng có kênh của họ, có cách riêng của họ. Sự thống trị với tư cách là “người giữ cửa” của báo chí thực sự đang bị đe dọa. “Trước đây, có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện, chúng ta chọn lọc đưa câu chuyện nào thì công chúng biết đến nội dung đó, nhưng bây giờ họ còn biết nhiều hơn những gì báo chí đưa tin”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cũng có một thực tế là khi công chúng bị choáng ngợp trước cơn bão thông tin thì họ lại cần đến các cơ quan báo chí. Giữa những tin tức thật giả lẫn lộn, người dùng không đủ sức để xử lý, họ cần cơ quan báo chí để chọn lọc cho họ. “Đi xa rồi lại trở về, người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng. Lúc này, các quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống. Làm thế nào để giữ vị trí ngọn hải đăng như thế các cơ quan báo chí phải vượt qua rất nhiều những trở ngại ở hiện tại và tương lai”, ông Lê Quốc Minh nhận định.
“Thứ làm báo chí khác biệt là những thứ sâu sắc. Còn nếu tiếp tục chạy đua về nhanh, về nhiều thì không thể thắng. Vì thế tôi muốn các cơ quan báo chí, không phải tất cả phải dành nguồn lực cho báo chí chuyên sâu. Tuy nhiên, hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức để thấy được sự khác biệt của báo chí”- ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.