Xây dựng dữ liệu dân cư ở Hàm Thuận Nam: Những cái khó đương nhiên

Xã hội - Ngày đăng : 10:20, 22/09/2024

Trong hành trình trên, người dân ấy ngay cả các đối tượng bảo trợ xã hội cũng tham gia vào chuyển đổi số bằng cách được chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt hay trẻ em cũng cần được gia đình khai báo thông tin để nhập lên dữ liệu dân cư, có mã định danh cá nhân để chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu. Do đó, có những cái khó mang tính đương nhiên...

1.Như nhấn mạnh của Đề án 06 rằng người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính…Mục đích của xây dựng dữ liệu dân cư cũng đã thể hiện ngay trong cái tên đề án: “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Thế nên, trong hành trình trên, người dân ấy ngay cả các đối tượng bảo trợ xã hội cũng tham gia vào chuyển đổi số qua kế hoạch chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt hay trẻ em cần được gia đình khai báo thông tin để nhập lên dữ liệu dân cư, có mã định danh cá nhân cho chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu. Do đó, có những cái khó mang tính đương nhiên. Việc triển khai thực hiện trên 2 đối tượng và người lao động trong 8 tháng năm 2024 tại huyện Hàm Thuận Nam cho thấy rõ điều đó.

trang-trai-thanh-long-o-ham-thuan-nam-7-.jpg
Lao động làm việc trong các trang trại

Với người lao động, ngay sau khi có kế hoạch của tỉnh ký đầu tháng 4/2024, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện về việc tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn huyện. Theo đó, các xã, thị trấn đã tiến hành cập nhật thông tin của những người lao động chưa được cập nhật năm 2023, những người mà năm 2024 này mới đủ tuổi lao động và những người có thay đổi thông tin về tình trạng lao động, trình độ…  lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Số liệu của Phòng Lao động – Thương binh và xã hội Hàm Thuận Nam cho thấy, năm 2022 phòng đã thu thập thông tin người lao động được 48.000 người và năm 2023 là 21.360 người với tổng cộng là 69.360 người, chiếm 57,6% dân số. Đến nay, kết quả nhập thông tin lên hệ thống cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư của 2 năm qua là 67.732 người, đạt 94,8% lực lượng lao động đang tham gia hoạt động kinh tế. Thêm số liệu của 8 tháng năm 2024, phòng đã bàn giao 21.000 phiếu thông tin để công an cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

dsc_0855.jpg
Lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân

2. Nếu việc cập nhật thông tin đối tượng người lao động có thuận lợi nhất định như trên thì với 2 đối tượng khác là trẻ em và người được bảo trợ xã hội có nhiều vướng mắc mà xuất phát chính từ nguyên nhân chủ quan mà xét cho cùng cũng là đương nhiên. Tính đến đầu tháng 8/2024, số trẻ em đã được chuẩn hóa và làm sạch là 23.613 trẻ, chiếm tỷ lệ 82% so với tổng số trẻ trên địa bàn. Bên cạnh một số xã đã thực hiện đạt 100% như Mương Mán, Tân Thuận, Tân Thành thì còn nhiều xã chỉ mới đạt từ 60-80%. Cá biệt thị trấn Thuận Nam lại mới thực hiện được 42%. Thực tế cho thấy hiện nay các gia đình có trẻ em chưa lên công an xã, thị trấn khai báo thông tin để nhập lên dữ liệu dân cư vẫn còn. Vì vậy, cũng chưa thể có mã định danh cá nhân để có cơ sở chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em. Bên cạnh còn có tình trạng nhiều gia đình cung cấp thông tin cá nhân của trẻ em chưa thống nhất giữa sổ hộ khẩu gia đình và sổ theo dõi trẻ em trong gia đình cũng như các giấy tờ tùy thân khác có liên quan đến trẻ em. Từ đó, dẫn đến thông tin trẻ em bị lệch không chuẩn hóa và chưa thể làm sạch theo yêu cầu đang diễn ra.

Trong khi đó, tiến độ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội còn nhiều trở ngại hơn, vì hiện tại chỉ mới đạt tỷ lệ 29,3% so tổng số đối tượng trên địa bàn huyện. Cụ thể, hiện trên địa bàn huyện có 1.069/3.654 đối tượng được chi trả qua tài khoản với tổng kinh phí chi trả 398,92 triệu đồng. Các xã có số lượng đối tượng đã chi trả qua tài khoản đạt tỷ lệ cao rất hiếm, nổi lên như Mương Mán đạt 86%, tiếp đến Thuận Quý 55%, rồi Hàm Mỹ 43%, Tân Thành 42%. Các xã còn lại đạt rất thấp, từ 4,8 - 21%. Bên cạnh còn có 3 xã chưa thực hiện chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua tài khoản là Tân Lập, Mỹ Thạnh và Hàm Cần. Riêng với người có công, với tổng số tiền trợ cấp hàng năm hơn 1.837 triệu đồng thì việc chi trả qua tài khoản cũng chỉ mới ở 165/850 người có công. Trong 685 người chưa mở tài khoản, rải ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện.

c0287t01.jpg
Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Thuận Nam

Qua tìm hiểu, Phòng lao động, Thương binh và Xã hội Hàm Thuận Nam cho rằng, hầu hết các đối tượng đều mong muốn tiếp tục nhận trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt để phục vụ sinh hoạt phí như lâu nay. Bởi đa số các đối tượng đang hưởng trợ cấp an sinh xã hội hàng tháng đều là người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số (xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần) nên có những hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, không đáp ứng được các điều kiện để mở và sử dụng tài khoản, nhớ mật khẩu tài khoản và các kỹ năng thao tác của người sử dụng smartphone. Ngoài ra, còn những khó khăn về khoảng cách di chuyển từ nơi ở đến các điểm rút tiền.

Thêm nữa, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, mặc dù có thân nhân, người giám hộ nhưng có một số đối tượng không đồng ý ủy quyền cho thân nhân hoặc người giám hộ, muốn trực tiếp đến nhận tiền trợ cấp của mình vì không tin tưởng lẫn nhau. Việc thực hiện chuyển tiền trợ cấp hàng tháng qua tài khoản, khi đối tượng chết không khai báo hoặc báo giảm chậm để thời gian dài, lúc phát hiện khó khăn trong việc thu hồi trợ cấp đã chi trước đó.

c0056t01.jpg
Đối tượng chính sách cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mỹ Thạnh, Hàm Thuận nam

Trước những khó khăn trên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Hàm Thuận Nam cho biết, trong thời gian tới, phòng phối hợp cùng các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân để đôn đốc thực hiện theo Công văn số 975/UBND-LĐTBXH ngày 26/4/2024 của Chủ tịch UBND huyện về chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em thực hiện Đề án 06.

Với trẻ em thì rà soát để thu thập thông tin đầy đủ. Còn với đối tượng đang hưởng chính sách an sinh xã hội thì vận động mở thẻ tài khoản chính chủ hoặc ủy quyền tài khoản cho người thân hoặc người giám hộ, để có cơ sở thu thập, cập nhập, xác thực thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng theo quy định và đạt chi tiêu kế hoạch cấp trên đã giao.

Hảo Chi - Ảnh Ngọc Lân