Vướng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm

Kinh tế - Ngày đăng : 05:04, 23/09/2024

Các công trình giao thông trong tỉnh, nhất là công trình trọng điểm hầu hết khi bước vào thi công đều vướng mặt bằng. Từ đây thi công chậm tiến độ, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng…

Báo cáo nhanh tại đợt giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho hay: Giai đoạn 2021 - 2024 BQLDA được bố trí nguồn vốn là 5.543,497 tỷ đồng. Kết quả giải ngân giai đoạn 2021 - 2024 đến ngày 30/6/2024 là 4.214,132 tỷ đồng, đạt 76,02% kế hoạch, trong đó: Năm 2021 kế hoạch giao 1.130,645 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 100%. Năm 2022 kế hoạch giao 1.750,455 tỷ đồng, đã giải ngân 1.748,352 tỷ đồng, đạt 99,9%. Năm 2023 kế hoạch giao 1.477,111 tỷ đồng, đã giải ngân 1.187,351 tỷ đồng, đạt 80% (bao gồm vốn kéo dài năm 2023 sang giải ngân năm 2024). Năm 2024 kế hoạch giao 1.185,286 tỷ đồng, đã giải ngân đến tháng 6/2024 là 157,421 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 14%. 8 tháng giải ngân vốn đầu tư công được 220,677 tỷ đồng/1.212,975 tỷ đồng theo kế hoạch nguồn vốn được phân bổ, đạt 18%…

cau-van-thanh-20230105-1-.jpg
Mô hình cầu Văn Thánh

Lý giải vì sao giải ngân năm 2024 chậm, ông Nguyễn Thanh Hiền – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Qua thực hiện nhiệm vụ, những hạn chế, khó khăn là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, một số phần diện tích đất được bàn giao còn tồn tại các thửa “da beo”, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, giải ngân kế hoạch vốn. Đơn cử như công trình ĐT.719B đang vướng mặt bằng tại mỏ khai thác khoáng sản titan Tân Quang Cường, dự án xin gia hạn đến cuối năm nay sẽ hoàn thành nhưng khai thác titan cuối năm mới xong nên sẽ rất khó khăn. Dự án trọng điểm cầu Văn Thánh theo hợp đồng cuối năm xong nhưng đến nay đền bù giải phóng mặt bằng chưa xong nên không có mặt bằng để thi công. Còn Dự án Trục ven biển ĐT.719B Hòn Lan - Tân Hải (La Gi) cũng giải phóng mặt bằng khó khăn vì vướng đất đất rừng, hộ dân...

f709e68e548d5981cd0a2d13c1761a6a.jpg
Cầu Văn Thánh chưa có mặt bằng trên đất liền để thi công.

Công tác quyết toán còn nhiều khó khăn do công tác đền bù giải tỏa thực hiện còn kéo dài vì còn có hộ dân chưa nhận tiền đền bù, còn khiếu kiện kéo dài nên ảnh hưởng đến việc quyết toán hạng mục đền bù giải tỏa (ĐBGT) để tổng hợp quyết toán dự án hoàn thành. Trong thực hiện thi công hạng mục di dời hạ tầng, có gói thầu nhà thầu không thực hiện quyết toán hạng mục dẫn đến không thể quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, Ban QLDA đã nhiều lần có công văn đề nghị nhà thầu thực hiện nhưng có nhà thầu không còn hoạt động, làm ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán cả dự án...”. Ban QLDA kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan quan tâm đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng để thi công các công trình đảm bảo theo kế hoạch đề ra, đồng thời để đẩy nhanh giải ngân vốn của dự án được giao…

Nguyên nhân công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm là do cấp thẩm quyền giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật. Công tác đền bù liên quan đến lĩnh vực quản lý sử dụng đất, hiện trạng rất nhiều vấn đề phức tạp, hạn chế, vướng mắc. Công tác xác định giá đất theo quy định mới chưa cụ thể, quá trình thực hiện gặp nhiều lúng túng kéo dài trong suốt thời gian vừa qua; nhiều trường hợp sang nhượng chỉ qua “giấy tay”, không thực hiện các thủ tục theo quy định, gây ra nhiều khó khăn, nhất là vấn đề pháp lý. Có lúc, có nơi, công tác phối hợp chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị tham gia thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công tác này. Ban QLDA kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan quan tâm đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng để thi công các công trình đảm bảo theo kế hoạch đề ra, đồng thời để đẩy nhanh giải ngân vốn của dự án được giao.

Trần Thi