Báo chí giải pháp: Giữ vững vị trí ngọn hải đăng

Xã hội - Ngày đăng : 05:18, 23/09/2024

Hiện nay, khi xã hội và công chúng đặt yêu cầu nhiều hơn về vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với đất nước, xã hội và cộng đồng, thì việc phát triển báo chí giải pháp là xu hướng tích cực, phù hợp với sự vận động của báo chí trong giai đoạn hiện nay… Tại chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 với chủ đề: “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” vừa diễn ra vào chiều 21/9, tại TP. Phan Thiết đã một lần nữa khẳng định sự phát triển tất yếu của báo chí giải pháp.
z5852862952769_bfe509a5d234fb5888c060b918e2e5f6-1357.jpg
Các đồng chí chủ trì diễn đàn.

Chủ trì diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

z5855305022185_252de6fd791b37dc7168338aaa1574ee.jpg
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chào mừng.

Bình Thuận trân trọng sự đóng góp của báo chí

Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh: Trong suốt hành trình phát triển của mình, Bình Thuận luôn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành của báo chí. Các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết tuyên truyền về thành tựu của tỉnh, phản ánh, đưa tin kịp thời về các vấn đề nổi bật, những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận. Thực hiện vai trò của địa phương, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trong những năm qua luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng: Trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển. Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.

“Với ý nghĩa đó, tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi và tán thành cao với việc Hội Nhà báo Việt Nam chọn chủ đề Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 là “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?”. Đây cũng chính là vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi Bình Thuận đang bước vào hành trình phát triển mới với những mục tiêu mới”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh.

z5854738382879_262d273c7878e8b9b849659f4da2e91f.jpg
Ông Lê Huy Toàn - Tổng Biên tập báo Bình Thuận tham luận tại diễn đàn.

Đặt hàng truyền thông chính sách với báo chí

Là một trong những báo địa phương tham gia tham luận tại diễn đàn, ông Lê Huy Toàn - Tổng Biên tập Báo Bình Thuận đặt vấn đề: “Tại sao chúng tôi đặt ra câu hỏi Báo chí giải pháp – Giải bài toán tài chính cho Báo Đảng?”. Theo ông Lê Huy Toàn, Báo Bình Thuận là tờ Báo Đảng của một địa phương với chức năng là đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, yêu cầu đặt ra hiện nay là vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị và truyền thông chính sách song vừa phải có nguồn thu. Và nguồn thu chính là vấn đề khá nan giải đối với các cơ quan báo chí chính thống, đặc biệt là Báo Đảng bởi tính chất “khô khan” cũng như sự ràng buộc nhiều yếu tố khác nhau mang tính nguyên tắc mà cơ quan ngôn luận trực thuộc Đảng bộ phải thực hiện.

Ông Toàn cho biết, đối với Báo Bình Thuận thì mọi hoạt động của các số báo đều tập trung xoay quanh trục truyền thông chính sách. Hiện nay Báo Bình Thuận đã phối hợp thực hiện nhiều gói tuyên truyền trên các lĩnh vực. Điển hình như những chính sách về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo thông tin, bảo hiểm xã hội, trật tự an toàn giao thông, khuyến công… “Những bài truyền thông chính sách này, Báo Bình Thuận đều đăng trên báo giấy rồi chuyển lên báo điện tử hoặc ngược lại, tùy yêu cầu của bên cần tuyên truyền và cả vấn đề cần nhanh, kịp với các báo thường trú khác và mạng xã hội”, ông Toàn cho hay.

Ông Lê Huy Toàn cũng cho biết, trong phát huy vai trò truyền thông chính sách, Báo Bình Thuận thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt công chúng hiểu đúng nghĩa trong nhiều vụ việc nóng xảy ra tại tỉnh. Khi sự thật được lan rộng, những thông tin sai, đơm đặt trên mạng sau đó tự “biến mất”. Qua những vụ việc như thế, Báo Bình Thuận nâng thêm vị thế cũng như tầm quan trọng của báo địa phương. Cũng từ đó, việc tăng nguồn thu cho báo được thuận lợi hơn, mở thêm được nhiều gói tuyên truyền không chỉ trong lĩnh vực nhà nước mà còn ở lĩnh vực doanh nghiệp…

z5852950294176_7ae59f96b4707418aaa850a067605f7f-1553.jpg
Quan cảnh tại diễn đàn

Khẳng định sự phát triển tất yếu của báo chí giải pháp

Phát biểu kết luận tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh cho biết: Báo chí đang đứng trước rất nhiều thay đổi, sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra thần tốc dẫn đến những kết cục mà chỉ trong vòng 5 năm thậm chí là 3 năm không thể hình dung được. Mặt khác là sự thay đổi của người dùng. Hiện nay, người dùng không nhất thiết phải tìm đến báo chí mới có được thông tin. Thực tế cho thấy, công chúng trẻ, thế hệ GenZ giờ đây không đọc báo in, không xem truyền hình, không nghe phát thanh nhưng họ vẫn biết hết tất cả thông tin.

Sự thay đổi đang diễn ra chóng mặt, trong đó chính các doanh nghiệp có thể cũng không cần đến báo chí nữa. Họ cũng có kênh của họ, có cách riêng của họ. Sự thống trị với tư cách là “người giữ cửa” của báo chí thực sự đang bị đe dọa. “Trước đây, có hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện, chúng ta chọn lọc đưa câu chuyện nào thì công chúng biết đến nội dung đó, nhưng bây giờ họ còn biết nhiều hơn những gì báo chí đưa tin”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cũng có một thực tế là khi công chúng bị choáng ngợp trước cơn bão thông tin thì họ lại cần đến các cơ quan báo chí. Giữa những tin tức thật giả lẫn lộn, người dùng không đủ sức để xử lý, họ cần cơ quan báo chí để chọn lọc cho họ. “Đi xa rồi lại trở về, người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng. Lúc này, các cơ quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống. Làm thế nào để giữ vị trí ngọn hải đăng như thế các cơ quan báo chí phải vượt qua rất nhiều những trở ngại ở hiện tại và tương lai”, ông Lê Quốc Minh nhận định.

“Thứ làm báo chí khác biệt là những thứ sâu sắc. Còn nếu tiếp tục chạy đua về nhanh, về nhiều thì không thể thắng. Vì thế tôi muốn các cơ quan báo chí, không phải tất cả phải dành nguồn lực cho báo chí chuyên sâu, tuy nhiên, hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức để thấy được sự khác biệt của báo chí”.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngọc Diệp