Quỹ tín dụng nhân dân Hàm Chính: Khơi thông dòng vốn vùng quê nghèo

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:13, 24/09/2024

Với số vốn ban đầu chỉ 52 triệu đồng vào năm 1996/218 thành viên góp vốn, qua 28 năm hoạt động, đến nay Quỹ tín dụng (QTD) nhân dân Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc có tổng nguồn vốn trên 237 tỷ đồng/3.069 thành viên. Nguồn vốn QTD đã góp phần giúp vùng quê nghèo Hàm Chính “thay da đổi thịt hàng ngày”...

Hình thành từ 52 triệu đồng

Ngồi bên vườn thanh long đang thu hoạch của anh Đông – thành viên của QTD, anh Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị kể với tôi quá trình hình thành QTD với giọng nói tự hào, xen lẫn niềm vui: Năm 1996, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bình Thuận, QTD nhân dân Hàm Chính chính thức khai trương và đi vào hoạt động ngày 10/10/1996 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 52 triệu đồng. Hoạt động trong những năm đầu đã gặp không ít những trở ngại thách thức. Bởi tình hình kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, cuộc sống người dân trong vùng còn nhiều cơ cực, vốn điều lệ QTD thì còn nhỏ bé, huy động vốn từ 100.000 đồng nhưng nhiều hộ không muốn gửi nên vô cùng khó khăn. Mặt khác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ nhân viên chưa được đào tạo, chưa có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng, hệ thống liên kết QTD chưa hoàn thiện nên “khó chồng lên khó”.

zalo_762140962584960.jpg
Phòng giao dịch của QTD Hàm Chính.

Từ thực tiễn khó khăn, QTD bố trí CBCNV vừa hoạt động vừa học, vừa làm, vừa xây dựng lòng tin với nhân dân, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận, cấp ủy chính quyền địa phương, nhân dân tin tưởng bắt đầu gửi vốn cho QTD. Dư nợ tín dụng ngày một tăng lên đáp ứng nhu cầu vốn cho nhân dân trên địa bàn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thành viên gia nhập vào QTD ngày càng nhiều. Sau khi đáp ứng tốt về vốn cho nhân dân trên địa bàn xã Hàm Chính và xuất phát từ nhu cầu phát triển của QTD, đến năm 2005 QTD mở rộng địa bàn hoạt động lên xã Thuận Minh. Đến năm 2008, được sự chấp thuận của NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận và cấp ủy chính quyền xã Thuận Minh, QTD chuyển trụ sở chính lên xã Thuận Minh, đồng thời mở Phòng giao dịch Hàm Chính tại xã Hàm Chính. Đến năm 2008, QTD tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động lên xã Hàm Phú. Đến nay, QTD Hàm Chính hoạt động trên địa bàn 3 xã Hàm Chính, Thuận Minh và Hàm Phú.

zalo_762092903825034.jpg
Người dân đến Quỹ tín dụng vay vốn.

Hiệu quả “kép” giữa thành viên và QTD

Trước khi về Hàm Chính, tôi được NHNN cho hay QTD Hàm Chính hoạt động có hiệu quả: Hoạt động kinh doanh hàng năm đều có lãi, năm sau cao hơn năm trước, làm tốt nghĩa vụ nộp thuế, có tích lũy cho tập thể và bảo đảm quyền lợi cho thành viên góp vốn, thu nhập và đời sống của cán bộ nhân viên được nâng lên. QTD hoạt động ổn định, an toàn, có hiệu quả, chấp hành tốt các quy định của pháp luật...

Nhờ gần dân trên các “mặt trận” nên QTD đã tạo được niềm tin với nhân dân và khách hàng, thu hút được nguồn vốn huy động tại chỗ để cho vay tại chỗ, phục vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nhân dân trên địa bàn. Nguồn vốn của QTD đã giúp người dân trên địa bàn đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ví như thành viên Nguyễn Thị Nguyệt Hằng (SN 1975, ở thôn 2, xã Thuận Minh) tham gia làm thành viên của QTD Hàm Chính vay vốn từ năm 2012 để kinh doanh mua bán lúa gạo, ban đầu quy mô kinh doanh còn nhỏ, số tiền vay cũng nhỏ, đến nay quy mô kinh doanh lớn dần, số tiền vay của QTD hiện nay là 2,1 tỷ đồng, mua bán khoảng 6.000 tấn lúa gạo/năm, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng/ năm. Với thành viên Nguyễn Thanh Danh (SN 1971, ở thôn 1, xã Thuận Minh) tham gia làm thành viên của QTD Hàm Chính vay vốn từ năm 2011 để sản xuất nông nghiệp (sản xuất lúa, chăn nuôi bò), số tiền vay của QTD hiện nay là 600 triệu đồng, sản xuất 8 ha lúa, nuôi 50 con bò, lợi nhuận đạt trên 600 triệu đồng/năm.

a24d60ed21bcc8e291ad-343760435.jpg
CBCNV QTD Hàm Chính quyên góp ủng hộ bà con bị bão lụt miền Bắc

Anh Phạm Văn Minh – Giám đốc QTD Hàm Chính cho biết: Hoạt động trên địa bàn chủ yếu là nông nghiệp nông thôn, điều kiện tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương còn nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của thời tiết, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, giá nông sản thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu nhập của người dân. Mặt khác, sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại đã lan rộng đến khu vực nông thôn làm hạn chế phần nào đến việc tăng trưởng tín dụng của QTD, làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động chung của đơn vị. Nhưng với sự quyết tâm cao của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc cùng tập thể cán bộ nhân viên của QTD, cùng với sự giúp đỡ của NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận, Ngân hàng HTX chi nhánh tỉnh Bình Thuận, Liên Minh HTX tỉnh và các cấp chính quyền địa phương 3 xã Hàm Chính, Thuận Minh và Hàm Phú, QTD Hàm Chính tận dụng lợi thế của địa phương như quen biết, thăm hỏi bà con thường xuyên nên huy động và cho vay tăng trưởng và phát triển về quy mô thành viên và nguồn vốn hoạt động. Qua 28 năm hoạt động, đến nay, tổng số thành viên của QTD đạt 3.069 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động đạt trên 237 tỷ đồng, trong đó vốn tự có đạt 16,4 tỷ đồng, vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng, vốn huy động đạt 213 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt trên 201 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 0,63%/tổng dư nợ, lợi nhuận sau thuế đạt trên 1,8 tỷ đồng/năm...

Trong thời gian tới, QTD Hàm Chính tăng cường hoạt động đúng bản chất, đặc thù, tính liên kết, hỗ trợ giữa các thành viên, đảm bảo cho hoạt động của QTD đúng hướng, an toàn và hiệu quả. Chủ động xây dựng, triển khai và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hoạt động, tập trung thực hiện mục tiêu hỗ trợ vốn và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho các thành viên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương án thực hiện các giải pháp tại Đề án củng cố và phát triển QTD nhân dân đến năm 2020, định hướng đến 2030, gắn với thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025. Cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn bảo đảm khả năng chi trả. Chủ động triển khai và các biện pháp xử lý nợ xấu, nợ quá hạn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành trong hoạt động. Tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn tín dụng đen...

Trần Thi