Tạo động lực kinh tế từ công nghiệp văn hóa

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:09, 24/09/2024

Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu của địa phương. Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế rất lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
ka-te.jpg
Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tại tháp Po Sah Inư. Ảnh: N.Lân

Công nghiệp văn hóa điểm tựa cho du lịch phát triển

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã và đang tập trung để phát triển kinh tế - xã hội với những thế mạnh của tỉnh trong các ngành kinh tế đó là: Ngành kinh tế biển; Ngành du lịch; Ngành năng lượng; Ngành khai thác khoáng sản và Ngành nông - lâm nghiệp. Bên cạnh những ngành trên, công nghiệp văn hóa của tỉnh cũng có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Bình Thuận đã trở thành một vùng đất giàu truyền thống văn hóa với các lễ hội phong phú, đa dạng, tiêu biểu như: Lễ hội Dinh Thầy Thím, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Katê, Lễ hội Cầu Yên, Lễ hội rước đèn Trung thu. Ngoài ra, mỗi khi tết đến xuân về cũng là lúc một số lễ hội diễn ra sôi nổi như: Lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty, Hội thi leo núi Tà Cú, đây cũng là dịp để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Bình Thuận. Với những lợi thế này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, văn hóa sẽ là điểm tựa cho du lịch Bình Thuận phát triển. Bởi lẽ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, vì vậy phải định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau. Được sự ưu đãi của lịch sử và thiên nhiên, Bình Thuận có nhiều lợi thế so sánh về du lịch và hoạt động du lịch đang trên đà tăng trưởng. Từ một tỉnh hầu như không có cơ sở vật chất tạo dựng cho ngành du lịch, đến nay Bình Thuận đã được cả nước và du khách nước ngoài biết đến qua nhiều bãi tắm sạch, đẹp và hoang sơ, nhiều đền, tháp cổ kính với các di sản văn hóa đặc sắc. Nghị quyết 06 ngày 24/10/2021 của của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh, đồng thời nêu quan điểm: "Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc". Đề cập đến khai thác nguồn tài nguyên văn hóa vào phát triển du lịch nhiều người cho rằng, giá trị văn hóa nếu được bảo tồn, phát huy hiệu quả sẽ trở thành điểm tựa vững chắc để du lịch của Bình Thuận được nâng tầm, lan tỏa nhiều sản phẩm đặc sắc, tạo giá trị khác biệt cho điểm đến. Mặt khác, chính từ các điểm đến văn hóa, di sản tạo thuận lợi để kết nối, khai thác các loại hình du lịch khác như du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch gắn với các hoạt động thể thao tầm cỡ mà Bình Thuận đang rất có thế mạnh.

Phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới

Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia và địa phương. Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh, phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Chính vì vậy trong giai đoạn mới để các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện tốt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và quảng bá văn hóa của địa phương. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp tục chủ động triển khai Chiến lược theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới. Đồng thời ưu tiên các chính sách về ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo. Bên cạnh đó sẽ có những đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương. Cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa. Trong đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường khả năng thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Phát triển thị trường theo hướng từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế. Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.    

Phan Liên