Sẽ chuyển từ “khuyến nông hỗ trợ” sang “khuyến nông kết nối”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 25/09/2024

Xác định hệ thống khuyến nông không thể thiếu đối với phát triển kinh tế, khi nông nghiệp vẫn là bệ đỡ, trụ cột kinh tế. Chính vì vậy, hệ thống khuyến nông không thể xóa bỏ mà ngược lại cần sự củng cố, đổi mới mạnh mẽ để vươn tầm phát triển. Với Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, mục tiêu đặt ra là kết nối chuỗi giá trị sản phẩm, kết nối đầu ra, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bán hàng đa kênh cho người dân.

Xây dựng khuyến nông cộng đồng như “cánh tay dài” ở cơ sở

Xác định chức năng nhiệm vụ, vai trò, vị trí công tác khuyến nông, từ đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai trọng tâm công tác khuyến nông bám sát cơ sở, thay đổi từ tư duy hỗ trợ sang tư duy kết nối. Nổi bật trên lĩnh vực trồng trọt, lần đầu tiên App “Nông nghiệp số Bình Thuận” kỳ vọng phát huy và thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

c0222t01.jpg
Từ mô hình khuyến nông cộng đồng, nông dân trồng lúa tiếp cận tập huấn trực tuyến trong sản xuất. Ảnh N.Lân

Đó là thông qua ghi chép nhật ký điện tử nhằm minh bạch hóa sản xuất, có thể truy xuất nguồn gốc các sản phẩm. Đồng thời, đã được Trung tâm áp dụng trong tất cả các mô hình. Trong đó, chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được đẩy mạnh triển khai. Đặc biệt áp dụng ghi chép nhật ký điện tử, thực hiện mục tiêu số hóa 30% hồ sơ cấp chứng nhận VietGAP trong năm 2024.

Theo ông Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh: “Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã triển khai đồng bộ các chương trình, các mô hình thuộc nhiệm vụ khuyến nông năm 2024. Bao gồm về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chứng nhận thanh long VietGAP, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, với quyết tâm xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả gắn với việc đẩy mạnh số hóa đào tạo, ghi chép nhật ký điện tử trong sản xuất thanh long VietGAP, lúa chất lượng cao…”.

d982abe635d69388cac7.jpg
Ông Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong một buổi tập huấn cho đồng bào vùng cao. Ảnh K.H

Đáng chú ý, một trong những cách làm mới của sự “kết nối” là tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực, một số hoạt động chương trình, dự án đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung ương, các viện, trường, doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ có hiệu quả. Trong đó tiêu chí khoa học công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và tích hợp đa giá trị là một kim chỉ nam xuyên suốt. Điển hình như công tác bàn giao giống heo cỏ với nguồn gen đã được chọn lọc, với quy mô 44 con tại 2 xã vùng đồng bào huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình vừa được triển khai. Kết quả, theo như chia sẻ của ông K’ Văn Tính, một trong số những hộ dân được hỗ trợ thực hiện mô hình cho biết: “Gia đình đã nuôi heo 5 năm. Đến nay, nhờ sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị liên quan, tôi được hỗ trợ 11 con heo (10 con heo cái và 1 con heo đực) và sẽ cố gắng nhân rộng để bà con trong xã có heo tái đàn. Quá trình nuôi, phát triển đàn, chúng tôi mong muốn có thị trường đầu ra để bà con ổn định, phát triển sinh kế lâu dài.

d329d8a75297f4c9ad86.jpg
Nông dân trồng thanh long sử dụng  App “Nông nghiệp số Bình Thuận” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản (ảnh K.H)

Chuyển đổi số nông nghiệp

Theo Trung tâm Khuyến nông, công tác khuyến nông trong tình hình mới không chỉ thực hiện các mô hình một cách manh mún, đơn lẻ, mà phải có hệ thống, quy mô đáp ứng các đề án, chiến lược phát triển trọng tâm. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức ký kết, làm việc với hơn 15 đơn vị, viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả xã hội hóa công tác khuyến nông, tận dụng các nguồn lực để hoạt động. Lấy mục tiêu kết nối chuỗi giá trị sản phẩm, kết nối đầu ra, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bán hàng đa kênh cho người dân.

Đáng chú ý, trong năm 2024, khuyến nông Bình Thuận lập kênh Youtube với hơn 30 video, clip đã được phát triển, xây dựng. Ngoài ra, có hơn 50 tin bài, hình ảnh đã được đăng tải trên website đơn vị. Đây là nỗ lực lớn vươn mình trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất, con người, năng lực thông tin còn thiếu thốn, khó khăn.

a0b910568b662d387477.jpg
Trung tâm Khuyến nông phát huy vai trò là cầu nối để nông dân được tiếp cận, phát triển sinh kế. Ảnh: K.H

Cùng với đó, nhằm góp phần hướng đến ngành nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bán hàng đa kênh, trung tâm đã tổ chức trên 150 lớp tập huấn, hội thảo, lồng ghép thực hiện nhằm giới thiệu về nông nghiệp số Bình Thuận với hơn 2.000 lượt người được tuyên truyền, phổ biến áp dụng. Trong 3 tháng cuối năm 2024, dự kiến có hơn 100 lớp đào đạo, tập huấn tiếp theo sẽ được triển khai, lồng ghép với Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số.

Để phương hướng hoạt động các tháng cuối năm 2024 và chương trình khuyến nông năm 2025 đi sâu vào trọng tâm, những chia sẻ trong xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, những hiến kế trong thúc đẩy chuyển đổi số, định hướng trong thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông thời gian đến được vạch ra chi tiết, có trọng tâm, góp phần thực hiện một nông nghiệp Bình Thuận hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị mong muốn tiếp tục là cầu nối giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp với các trung tâm kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp, các phòng nông nghiệp, cùng nông dân để thực sự chuyển từ mô hình “khuyến nông hỗ trợ” sang “khuyến nông kết nối”, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Kiều Hằng