Lễ hội Katê sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách

Du lịch - Ngày đăng : 05:38, 26/09/2024

Lễ hội Katê năm 2024 sẽ diễn ra tại di tích tháp Pô Sah Inư (khu phố 5, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) vào ngày 1 - 2/10. Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đang được các đơn vị thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẩn trương hoàn tất.
mua-cham-2.jpg
Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn

Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn tại Bình Thuận để tưởng nhớ đến các vị thần. Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ. Lễ hội diễn ra trong một không gian lớn, bắt đầu từ các đền, tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình.

ka-te1.jpg
Panô, băng rôn, cờ phướn... thông tin về lễ hội.

Để đảm bảo công tác tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và phục vụ quảng bá du lịch địa phương, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện treo panô, băng rôn, cờ phướn… tại dọc tuyến đường Nguyễn Thông dẫn vào di tích và các tuyến đường giao thông ở Phan Thiết. Dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, cắt tỉa, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên di tích. Đồng thời, bố trí gian trưng bày giới thiệu về bảo vật quốc gia Liga vàng và hình ảnh các hiện vật Chăm tiêu biểu, cũng như bố trí khu vực dành cho các nghệ nhân biểu diễn nghề làm gốm, làm bánh gừng, dệt thổ cẩm Chăm. Bảo tàng cũng đã phối hợp với UBND các huyện Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh kiểm tra, đôn đốc bà con người Chăm lập đội và tập luyện tham gia trò chơi dân gian, hội thi, hội diễn và các công việc tại lễ hội.

kate1.jpg
Cắt tỉa cây đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường tại khu vực di tích.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, kịch bản, tiết mục nghệ thuật dân gian Chăm biểu diễn giao lưu cùng bà con người Chăm vào tối ngày 1/10. Dự kiến năm nay số lượng đồng bào Chăm và du khách sẽ tăng do kết hợp nội dung công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia, vì thế công tác phân luồng, bố trí bãi đậu xe, an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội cũng được sắp xếp hợp lý và siết chặt.

chuan-bi-ka-te.jpg
Ngày 1/10, đồng bào Chăm sẽ mang các lễ vật lên Tháp.

Theo chương trình lễ hội, từ sáng sớm ngày 1/10, các chức sắc và đồng bào Chăm huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân di chuyển về di tích tháp Pô Sah Inư, sau đó tham gia vào nghi lễ cúng cầu an, múa mừng, thỉnh mời Thần linh tại tháp chính do chức sắc tôn giáo người Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện. Vào ngày lễ chính ngày 2/10 (mùng 1 tháng 7 Chăm lịch), sẽ diễn ra nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục bệ thờ Linga - Yoni và đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư, các vị thần linh và ông bà, tổ tiên. Đặc biệt, còn có nội dung công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia - đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong).

banh-gung.jpg
Món bánh gừng truyền thống của người Chăm

Phần hội là những hoạt động sôi nổi diễn ra tại sân khấu chính như hội thi thổi kèn Saranai và đội nước vượt chướng ngại vật; trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế Nữ thần Pô Sah Inư. Chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian do đội văn nghệ dân gian Chăm đến từ các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, hy vọng Lễ hội Katê sẽ để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Thùy Linh