Khi công việc cạnh tranh lấy người lao động

Xã hội - Ngày đăng : 08:39, 26/09/2024

BTO-Không chỉ trong công nghiệp, ngay cả trong nông nghiệp, cụ thể là sản xuất thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam cũng đang đối diện với tình hình thiếu lao động, khi giá thanh long từ đầu năm đến nay luôn đứng ở mức cao

1.Thời điểm này, Hàm Cần, Mỹ Thạnh đang vào mùa vụ thu hoạch nên 50 lao động mà Công ty TNHH Quốc Tế Right Rich (KCN Hàm Kiệm II-Hàm Thuận Nam) đào tạo, tuyển chọn từ tháng 5/2024 ở 2 nơi này cũng có sụt giảm chút ít. “Vào mùa vụ, một số lao động tự nghỉ làm ở công ty. Xã có vận động đi làm lại. Do gia đình thiếu người cho thu hoạch nên xảy ra tình trạng trên, chứ hết mùa thì người dân ở xã rất cần công việc may giày thể thao của công ty. Hiện có những lao động ở xã tự nộp hồ sơ vào công ty, không thông qua xã để vào công ty Right Rich làm…” – lãnh đạo xã Hàm Cần cho biết như thế.

c0310t01.jpg
Công nhân làm việc trong nhà máy giày Right Rich

Theo tìm hiểu thì được biết thu nhập của lao động người Rai ở 2 xã làm tại nhà máy giày thể thao này thấp nhất là 4,5 triệu, cao nhất hơn 6 triệu đồng, nếu có tăng ca. Mức thu nhập trên là hấp dẫn với người lao động ở 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số này, khi điều kiện đi làm thuận lợi. Cứ sáng sớm, các lao động từ 18 tuổi - 40 tuổi đối với nam và từ 18 tuổi - 45 tuổi đối với nữ tập trung tại xã của mình, xe đưa rước của công ty đã đậu sẵn ở đó để chở đến nhà máy. Chiều xe bus của công ty lại chở họ về trụ sở xã, rồi ai về nhà nấy. Song song đó, các lao động được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm BHXH, BHYT, BHTN theo quy định, được miễn phí cơm trưa tại công ty. Và cái được khác là được đào tạo, hướng dẫn phù hợp các công đoạn may giày thể thao một cách tỉ mỉ nhất để thực hiện đạt mà không ảnh hưởng dây chuyền sản xuất chung.

Theo đại diện Công ty TNHH Quốc Tế Right Rich, tuyển lao động người dân tộc thiểu số có khó nhọc trong thời gian đầu hướng dẫn nhưng khi quen việc thì họ làm rất chăm chỉ, đạt năng suất cao. Thực tế, việc tuyển lao động tại chỗ, gần nhà máy là không thể, vì không cạnh tranh được với lao động làm thanh long.

Không chỉ trong công nghiệp, ngay cả trong nông nghiệp, cụ thể là sản xuất thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam cũng đang đối diện với tình hình thiếu lao động, khi giá thanh long từ đầu năm đến nay luôn đứng ở mức cao. Vì thế, tình hình lao động tại chỗ như được phát huy hết công suất vào chuỗi dịch vụ kéo theo, đồng thời cũng thu hút lao động từ các tỉnh khác về làm ở các trang trại thanh long như giai đoạn hoàng kim. Thêm điểm mới và đặc biệt khác là năm nay ngay cả lao động vùng dân tộc thiểu số như Hàm Cần, Mỹ Thạnh cũng có yếu tố cạnh tranh giữa các công việc trong cùng một thời điểm như trên. Lý do bởi ở vùng nông nghiệp mà một năm chỉ có một vụ sản xuất vào mùa mưa như 2 xã trên thì sự xáo trộn công việc giữa công nghiệp và nông nghiệp của người lao động cũng là đương nhiên.

c0133t01.jpg
Người dân xã Hàm Cần làm việc trong trang trại trồng thanh long

2.Điều đáng nói, qua tình hình trên cho thấy việc đa dạng hóa sinh kế lâu nay ở những vùng khó cũng ít nhiều phát huy tác dụng, nhất là ở những hộ nghèo. Thông qua các chương trình khác nhau như đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất …nhưng đều chung cách thức làm là xuất phát từ nhu cầu nguyện vọng của những hộ dân nghèo để triển khai. Với vùng Hàm Thuận Nam, 3 năm qua, nhu cầu của các hộ dân nghèo cần hỗ trợ đều là nuôi trâu, bò sinh sản. Nhờ phù hợp điều kiện, vùng đất lẫn nguyện vọng người nuôi nên trước mắt các mô hình mang lại hiệu quả tốt.

c0018t01.jpg
Một hộ dân ở xã Mỹ Thạnh được hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản

Đến thời điểm này của năm nay, dự án 2 - đa dạng hóa sinh kế mô hình giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tổ chức thực hiện được 2 dự án, giao 42 con bò cái giống cho các hộ dân tại thôn 3 xã Hàm Cần, xã Mương Mán tham gia dự án với kinh phí thực hiện hỗ trợ hơn 1.040 triệu đồng và đã giải ngân 924 triệu đồng. Đồng thời cũng đã thông qua hội đồng thẩm định dự án phát triển sản xuất cộng đồng, mô hình nuôi bò sinh sản tại Hàm Kiệm, Thuận Quý, Tân Thành và nuôi trâu tại Tân Thuận, thôn 1 Hàm Cần.

Đó là sự hỗ trợ việc làm mưu sinh với vùng khó, hộ khó. Còn với toàn huyện, việc làm cho người lao động nói chung được giải quyết thể hiện rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Ngay cả thông qua chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng ghi nhận trong 9 tháng qua, với 296 dự án vay 13.747 triệu đồng, đã giải quyết việc làm cho 296 lao động.

Báo cáo của Phòng lao động, Thương binh và Xã hội Hàm Thuận Nam cho thấy, 9 tháng năm 2024, thông qua các chương trình giải quyết việc làm huyện đã giải quyết việc làm cho 1.795/2.000 lao động, đạt 89,75% kế hoạch. Cụ thể, lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp giải quyết việc làm cho 1.195 lao động; Công nghiệp - Xây dựng 201 lao động; Thương mại - Dịch vụ 248 lao động và lao động đi làm việc ở ngoài địa phương 151 lao động.

dsc00037.jpg
Bà con xã Mỹ Thạnh thu hoạch bắp lai

Nhờ vậy, đã tạo ra thị trường việc làm phong phú, đa dạng. Từ đây, cũng tạo cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với mỗi người dân, tùy vào điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, sở thích, nghề nghiệp khác nhau. Và Hàm Thuận Nam đang tạo ra tình huống các công việc đang cạnh tranh lấy người lao động.

Hảo Chi- Ảnh N. Lân