Bình Thuận tham gia kết nối với hệ thống phân phối tại thị trường tiềm năng nhất cả nước
Kinh tế - Ngày đăng : 19:35, 26/09/2024
Hội nghị do UBND thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Công Thương, đơn vị chức năng phối hợp tổ chức tại thành phố mang tên Bác thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh thành trên cả nước. Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp các địa phương tham gia kết nối trực tiếp với các hệ thống phân phối tại thị trường tiềm năng nhất cả nước hiện nay. Bởi ngoài không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của vùng miền thì hội nghị năm nay còn có hoạt động kết nối B2B (bên mua và bên bán kết nối trực tiếp) giữa các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp tham gia chương trình. Bên cạnh đó còn có hoạt động trực tuyến, đặc biệt là tổ chức nhiều phiên livestream được dẫn dắt bởi các nhà sáng tạo nội dung số nhằm quảng bá cho hàng trăm sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương.
Về kết nối cung cầu trực tuyến tại sự kiện này, Sở Công Thương Bình Thuận cho biết toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh đăng ký gian hàng trực tuyến trên website www.ketnoicungcau.vn. Trong đó có trường hợp doanh nghiệp đăng ký tham gia “Chiến dịch đặc sản vùng miền trên Lazada” để được gói hỗ trợ đặc biệt cho nhà bán hàng mới, hoặc gói hỗ trợ đặc biệt cho nhà bán hàng đã có gian hàng thông qua chương trình kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024. Ngoài ra, Sở Công Thương Bình Thuận còn phối hợp sở đồng chức năng của TP. Hồ Chí Minh xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đăng ký kết nối với các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố thông qua một số sàn thương mại điện tử như Lazada, Amazon, Alibaba…
Đối với kết nối theo mùa vụ - chuyên đề, ngành chức năng cũng phối hợp Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp địa phương đăng ký tham gia kết nối với các hệ thống phân phối, chợ đầu mối, doanh nghiệp thương mại điện tử tại thành phố. Cụ thể có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh của Bình Thuận được đề nghị hỗ trợ kết nối theo mong muốn với các hệ thống phân phối có thương hiệu. Như: Amazon Global Selling Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB (Alibaba), Công ty TNHH Recess (Lazada Việt Nam), Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, Liên hiệp HTX Thương mại thành phố Hồ Chí Minh - SaigonCo.op, Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty CP Sài Gòn HD - Genshai Mart…
Trong khuôn khổ sự kiện lần này, ngành chức năng của tỉnh cũng phối hợp hỗ trợ cung cấp danh sách doanh nghiệp Bình Thuận đăng ký kết nối với hệ thống phân phối, chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thông qua hội nghị kết nối B2B tập trung và kết nối xây dựng kênh bán hàng trực tuyến… Từ đó hướng tới kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm lợi thế của tỉnh. Đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến cũng như hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tiếp cận và xây dựng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của các địa phương, vùng miền (kéo dài từ ngày 26 - 29/9/2024), Bình Thuận cũng có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh đăng ký tham gia. Thông qua gian hàng, địa phương tập trung trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh…