Nuôi thiên địch hướng đến nông nghiệp an toàn, bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 05:07, 27/09/2024
Nuôi, xuất khẩu thiên địch
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng mô hình nuôi thiên địch và đạt được thành công đáng kể. Chẳng hạn, Israel, với công nghệ nông nghiệp tiên tiến, xuất khẩu thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh, nhện với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm, mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 10 triệu USD, chủ yếu phục vụ cho các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Thái Lan cũng là một trong những quốc gia sản xuất thiên địch khoảng 3.000 tấn mỗi năm, với giá trị xuất khẩu lên đến 15 triệu USD, chủ yếu từ bọ rùa; nấm Beauveria bassiana có khả năng diệt trừ sâu hại, côn trùng gây hại cho cây trồng. Nấm này ký sinh trên sâu non, bọ cánh cứng để làm nguồn thức ăn…
Mới đây, trên kênh truyền thông chính thống cũng đăng tải thông tin: Tại Lâm Đồng, có công ty xuất khẩu thành công sản phẩm thiên địch - đóng lon gồm nhện bắt mồi, bọ xít bắt mồi (bắt các loại sinh vật gây hại như bọ trĩ, ruồi, sâu…) sang Malaysia và một số thị trường khác.
So với phương pháp phun thuốc hóa học, nuôi thiên địch mang lại nhiều lợi ích bền vững hơn. Thiên địch giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi thuốc trừ sâu gây ra tác hại hệ sinh thái và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, thiên địch lại duy trì cân bằng sinh thái tự nhiên. Sản phẩm nông nghiệp được sản xuất bằng phương pháp sử dụng thiên địch thường an toàn hơn và có chất lượng cao hơn, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hơn thế nữa, nuôi thiên địch giúp giảm chi phí sản xuất cho nông dân, vì thiên địch có thể tự sinh sản và phát triển trong tự nhiên. Đó là nghiên cứu và thực tiễn chứng minh.
Có thể nuôi ở Bình Thuận?
Bình Thuận có nhiều vùng chuyên canh lúa, cây thanh long, rau màu… nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, các loại cây trồng này cũng đang đối mặt với tình trạng sâu bệnh như sâu đầu đen hại dừa, sâu keo, rệp, rầy, sâu ăn lá, ruồi đục quả.… Để giải quyết vấn đề này một cách bền vững, tạo sản phẩm sạch - an toàn cạnh tranh thị trường, người nông dân Bình Thuận có thể áp dụng nuôi, phóng thích các loại thiên địch phù hợp cho từng cây trồng. Một số nấm, côn trùng có lợi (thiên dịch) là bọ rùa, nấm Beauveria bassiana có thể kiểm soát rầy nâu, sâu cuốn lá; ong ký sinh giúp kiểm soát sâu bướm và rệp; nấm Trichoderma hỗ trợ kiểm soát rệp sáp và sâu đục quả; nhện, chuồn chuồn săn bắt sâu bọ… Những sinh vật này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh mà không cần sử dụng hóa chất độc hại.
Thiết nghĩ, thời điểm này, người nông dân Bình Thuận có thể áp dụng mô hình nuôi thiên địch, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường, một cơ hội thêm nguồn thu nhập. Để khai thác tiềm năng này, người nông dân trong tỉnh cần được đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi và quản lý thiên địch, để có thể ứng phó với các vấn đề như dịch bệnh trên cây trồng. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, người nuôi trồng có thể tiếp cận nguồn cung cấp thiên địch uy tín để nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc chuyển đổi từ phun thuốc sang nuôi thiên địch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
• FAO. (2022). Global Status of Biological Control.
• ASEAN Agricultural Cooperative. (2023). Agricultural Development Report.
• Israeli Ministry of Agriculture. (2023). Export Statistics and Reports.