Đèo Yên Ngựa, nơi lưu giữ phòng tuyến an ninh xưa
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:14, 27/09/2024
Cách đây vài ngày Trung tá Đinh Hùng Dũng, cán bộ Huyện đội Tánh Linh điện thoại cho tôi trong tâm thức vui buồn lẫn lộn khi về thăm chiến khu Ban An ninh khu 6 cũ ở đèo Yên Ngựa, nơi một thời bố mình là Đại úy Đinh Hùng Dụng dàn trận với cương vị C phó trước khi về với đất ở tuổi 33 để lại một tương lai trống vắng cho 2 đứa con thơ và cô vợ trẻ.
Vào đầu tháng 9 năm nay, anh Vi Xuân Liệu 77 tuổi, cựu Đại úy Công an Lâm Đồng, nguyên Chủ tịch phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc đến nhà tôi uống trà sáng. Cầm ly trà nóng tỏa hương trên tay, anh nhỏ nhẹ: “Chú mầy là lính C25 cũ, vài tuần nữa, các anh em còn sống ở đơn vị mình từ Phan Thiết, Bảo Lộc và Ninh Thuận về Tánh Linh gặp nhau biết bao chuyện vui buồn. Mầy là thằng lính với nghề cầm bút cố viết một bài đăng trên Báo Bình Thuận để anh em đỡ tủi thân. Gần 50 năm, sau ngày hòa bình, chưa có 1 bài nào của Bình Thuận viết về đại đội của mình. Nhiều lúc nhìn anh em chúng mình còn sống quây quần bên nhau trong lặng lẽ, tao cảm thấy buồn buồn, nước mắt chảy ra. Nếu bài viết được đăng, mầy xin mua vài chục tờ để kỷ niệm cho anh em vui”. Lúc ấy, không ai bảo ai cả hai người lính già ôm nhau ầng ậng nước mắt. Tiễn anh về, nhìn theo bước chân xiêu vẹo của đời người đi qua cuộc chiến, trong tâm thức tôi hiện lên những người bạn thân yêu một thời của tôi với gương mặt hốc hác và sốt rét rừng thời chiến hiện về mồn một, tôi đứng dậy đốt thêm nén tâm nhang tưởng nhớ một thời xa vắng.
Cũng sáng hôm ấy, tôi điện thoại cho anh Nguyễn Trọng Hoàng, bạn đàn anh thân thiết của tôi, cũng là người có nhiều kỷ niệm về Đại đội 25 xưa. Anh Hoàng - nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, bên đầu dây anh chia sẻ với âm sắc buồn buồn: “C25 bảo vệ Khu 6 cũ đa số là bà con dân tộc ít người ở phía Bắc. Sau ngày hòa bình, một số anh em xin về quê, cho đến năm 1978-1980 họ trở vô Đà Lạt xin giấy xác nhận để được nhận tiền trợ cấp xuất ngũ, mất sức, bệnh binh nhưng khổ nỗi trong người không có giấy tờ gì. Tuy nhiên, Sở cũng cố gắng tìm mọi cách giúp anh em, bây giờ ổn rồi”.
Ngày 12/9/2024, anh Liệu đến nhà tôi, mặc bộ cảnh phục đã qua nhiều năm gió bụi. Anh kéo từ túi áo ra một tờ giấy kẻ ngang chi chít chữ, những dòng chữ của người già ngã tới ngã lui trông rất tội nghiệp. Anh bảo tôi pha bình trà mới rót thêm 3 ly, kê thêm 3 cái ghế để trống rồi đốt 3 cây nhang. Dưới khói hương chập chờn bên ngoài gió mưa lạnh buốt của hoàn lưu bão Yagi, anh đứng lên thì thầm mời các anh em C25 đã hy sinh trên chiến trường khu 6 cũ về đây uống ly trà nóng với anh em. Sau phần tưởng nhớ, anh ngồi xuống nói nhỏ nhẹ trong nước mắt: “Sáng nay, tao mang chữ nghĩa của đơn vị mình cho chú mầy xem để có thêm tư liệu chấp bút, tao đã cặm cụi viết 2 ngày đó chú”. Anh Liệu vuốt thẳng tờ giấy rồi đọc chậm rãi, có lúc dừng lại giải thích cho tôi nghe một cách từ tốn rồi cất giọng: Mùa thu năm 1972, Bộ Công an điều động 52 anh em công an trong 8 tỉnh khác nhau về Chương Mỹ, Hà Tây huấn luyện. Sau khi kết thúc khóa, lãnh đạo Bộ công bố Quyết định QL276 - tên của đoàn vào chiến trường Bác Kế (mật danh Khu 6 cũ). Ngày ấy, đoàn 276 đa số là anh em dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái... và một số ít là người Kinh. Ban lãnh đạo đoàn gồm 3 người, đồng chí Vũ Lệnh Sinh làm trưởng đoàn, đồng chí Đinh Minh Cầm và đồng chí Đinh Hùng Dụng làm phó đoàn, sau đó đoàn được xe chở đi đến sông Cửa Nậm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Thời ấy dọc theo sông Cửa Nậm, địch thả pháo sáng suốt đêm ngăn chặn lính miền Bắc vượt sông chi viện cho chiến trường miền Nam, nên người lái sà lan cho chạy dọc theo bờ sông canh khoảnh khắc tối trời, bẻ lái vượt sông an toàn. Qua được sông, đoàn bắt đầu hành quân vượt đèo lội suối qua các dốc Ba Thang, Cổng Trời rồi qua đường biên giới của nước bạn Lào, Campuchia. Tại biên giới Lào - Việt, đoàn đi qua các tỉnh Khăm-muộn, Xa-pha-na-khẹt… sau đó qua các tỉnh vùng biên của Campuchia. Đến trạm dừng chân của đường dây 559, đoàn còn 3 đồng chí, vì đa số bị sốt rét nên nằm lại các trạm giao liên. Do quân số quá ít nên trưởng trạm đường dây bắt đoàn dừng lại 15 ngày chờ đợi, sau đó được thêm 22 đồng chí tiếp tục cuộc hành quân đến Lộc Ninh, Bình Phước chờ giao liên dẫn về mật khu Bác Kế. Đoàn về đến Suối Chao, xã Lộc Bắc, thuộc huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng bây giờ, chờ đợi tiếp, rồi mất liên lạc, không còn tiếp tế gạo muối nữa. Các anh em quần áo rách nát, trống trước hở sau, tự đào củ chụp, củ nần và lá rừng sống qua ngày. Lúc ấy, đoàn bị địch bao vây tứ phía, cắt mọi tuyến đường, không cho dân tiếp tế cho cách mạng. Những lúc đói khát cận kề ấy được bà con dân tộc ở Lộc Bắc cho củ mì sinh sống tạm thời. Vài tuần sau, đoàn đến xã Huy Khiêm, thuộc huyện Tánh Linh, Bình Tuy cũ tập kết an dưỡng 1 tháng để chuẩn bị về đèo Yên Ngựa căn cứ Ban An ninh Khu 6 ở Bình Thuận.
Hai ngày sau, đoàn đến gặp đồng chí Chín Cán tức Phạm Thuần, Trưởng Ban An ninh khu được đón tiếp chân tình. Tại đây, khu ủy ra quyết định thành lập Đại đội 25 từ đoàn QL276 với nhiệm vụ bảo vệ an ninh và các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu 6. Theo quyết định trên, đồng chí Vũ Lệnh Sinh là đại đội trưởng; trợ lý quân sự là đồng chí Nguyễn Văn Tào; 3 đại đội phó là đồng chí Đinh Minh Cầm (chính trị viên), Trần Minh Hạnh (phụ trách tổ chức) và Đinh Hùng Dụng (phụ trách hậu cần). Thời gian ấy, do thông tin bị rò rỉ nên tháng 10/1973 bị Sư đoàn 23 của địch bao vây càn quét, nhưng với sự quyết tâm và khôn khéo của đại đội đã bảo vệ khu ủy và sơ tán các đồng chí lãnh đạo an toàn. Trong lúc thập tử nhất sinh, Đại đội phó Đinh Hùng Dụng, do thường xuyên đi săn thú để cung cấp thêm cho bữa ăn đơn vị, anh phát hiện có 1 đường hẻm dưới chân núi nên tổ chức cả khu ủy rút khỏi hậu cứ một cách an toàn. Tuy nhiên, đại đội có 2 đồng chí là Hoàng Minh Trâm, Hoàng Minh Thông hy sinh. Lúc chôn cất đồng đội, do đối phó với địch nên anh em chỉ đào hố cạn rồi lấp đất vội vàng, mấy ngày sau quay lại đã thấy 1 mộ bị đào bới. Ngay ngày hôm sau, ông Trần Đức Hoài, tức ông Ba Mỹ - Phó Ban An ninh ra lệnh canh giữ xem ai đào mộ thì phát hiện có hai con kỳ đà lớn đào bới. Sau năm 1975, hài cốt của 2 đồng chí được mang về nghĩa trang. Tháng 10/1974, để chuẩn bị cho chiến dịch, đại đội tăng cường cho các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Tuyên Đức, Lâm Đồng. Đến ngày 30/5/1975, toàn đại đội mới tập trung về Đà Lạt. Đó lần cuối cùng anh em gặp nhau trước khi phân bố về đơn vị công an các tỉnh.
Nhớ mấy năm trước gặp anh Hoàng Khai - nguyên Thượng tá, Phó Trưởng Công an TP. Phan Thiết - người chiến sĩ C25 năm xưa trải lòng: “Trong suốt thời gian hành quân từ Bắc vào Nam, đoàn 276 do anh em bệnh tật nên tách nhập, chờ đợi, phải đi bộ 6 tháng 21 ngày. Đại đội của chúng ta ngoài nhiệm vụ chính là giữ an toàn khu ủy mà còn bảo vệ các yếu nhân và hộ tống ban tài chính của khu vận chuyển tiền bạc từ Trung ương cục về. Trong suốt 3 năm, đại đội đối phó với đói khát, bệnh tật, bị địch bao vây đánh phá dữ dội nhưng với tinh thần người chiến sĩ công an anh em đánh trả một cách quyết liệt và rút lui khi cần thiết, bảo vệ sinh mạng cho lãnh đạo và đơn vị mình”.
Bây giờ, các anh em C25 đều ở độ tuổi U80 nhưng hàng năm nhớ ngày đi B tìm về nhau tay bắt mặt mừng rồi dần dần thiếu vắng. Thế hệ thứ 2 giờ được học hành bài bản, vì vậy mỗi lần gặp, các bạn cùng thời của bố đều ngã mũ cúi đầu trân trọng, đó là điều đáng mừng. Chị Linh Thị Nhâm, vợ của Đại đội phó Đinh Hùng Dụng (đã mất), là người chủ động tìm gặp kết nối anh em, cháu Đinh Hùng Dũng là Trung tá, con trai cả của anh Dụng cũng thường nhắc mẹ đi thăm những người lính của bố ngày xưa trong những lúc ngặt nghèo hoặc về với đất. Đó là nghĩa cử cao đẹp của người chiến sĩ công an không những nhớ về đồng đội mà còn tự nguyện làm đốm lửa nhỏ sưởi ấm những người đã đi qua cuộc chiến ở Bình Thuận quê mình.